Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

OBAMA MUA DA GẤU DO TẬP CẬN BÌNH BÁN

OBAMA MUA DA GẤU DO TẬP CẬN BÌNH BÁN
                                                                            Đại-Dương
 
Chuyến công du Hoa Kỳ chính thức của Chủ tịch Tập Cận Bình trong 4 ngày được giới truyền thông Trung Cộng tán tụng như một dấu hiệu thành công ngoạn mục trong chính sách đối ngoại của một cường quốc đang lên.
Chính phủ Obama rất hài lòng về mối quan hệ Mỹ-Trung vì không có dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong năm cuối nhiệm kỳ.
 
Tuy nhiên, giới truyền thông Phương Tây, đặc biệt tại Hoa Kỳ rất nghi ngờ về thiện chí của Tập Cận Bình khi so sánh: "Đức Giáo Hoàng kêu gọi bình đẳng cho mọi người theo ý của Chúa. Tập Cận Bình tự phong được Trời phái xuống cai trị Trung Hoa và thế giới".
 
Trước khi tới Hoa Thịnh Đốn, Tập Cận Bình đã viếng Seattle trong hai ngày với túi tiền nặng trĩu, lời hứa ngọt ngào và nụ cười tự tin làm cho giới lãnh đạo các đại công ty đa quốc phải hài lòng.
 
Phái đoàn Tập Cận Bình đã ký hợp đồng mua 300 chiếc máy bay Boeing trong kế hoạch sắm 6,330 máy bay thương mại trị giá 950 tỉ USD từ nay tới năm 2034. Hãng Boeing cũng đồng ý sẽ thành lập một xưởng lắp ráp máy bay Boeing 737 tại Hoa Lục.
Hãng Airbus đã có xưởng lắp ráp máy bay A320 tại Thiên Tân và dự trù lập một xưởng khác để lắp ráp máy bay đường dài A330.
 
Trong bữa tiệc với 100 đại gia chọn lọc, Tập Cận Bình hứa sẽ đón tiếp dòng vốn đầu tư và kỹ thuật đồng thời tôn trọng tài sản trí tuệ.
Bài diễn văn quan trọng của Tập Cận Bình tại Seattle được viết cẩn thận, truyền đạt lưu loát, nhưng, giới bình luận quốc tế rất hoài nghi hành động sẽ không đi đôi với lời nói.
Thị trường hơn 1.3 tỉ dân như miếng mồi ngon đối với các tập đoàn đa quốc. Tuy nhiên, khi vào Hoa Lục họ vẫn bị phân biệt đối xử, chèn ép và bị sao chép kỹ thuật nên e dè.
 
Hiện tại, nền kinh tế Trung Cộng lấy xuất cảng làm động cơ phát triển đã cán mức buộc Bắc Kinh phải cải tổ nền kinh tế theo chiều hướng nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ nội địa.
Do đó, cơ hội tốt cho các tập đoàn đa quốc nhảy vào thị trường béo bỡ này miễn Bắc Kinh đáp ứng hợp lý điều kiện kinh doanh.
Áp lực từ giới đại gia buộc Tổng thống Obama phải cư xử đẹp với Tập Cận Bình nên các điều kiện bang giao với Trung Cộng đều mềm như lụa Hàng Châu!
 
Trước khi chuẩn bị đón Tập Cận Bình ở Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Barack Obama đe doạ trừng phạt các công ty và cá nhân ở Hoa Lục đã dính líu tới hoạt động đánh cắp tài liệu quân sự, tình báo, kinh tế của Mỹ.
Nhưng, trong cuộc phỏng vấn bằng văn bản hôm 22-09-2015 cho tờ Wall Street Journal, Tập Cận Bình đoan chắc “Chính quyền Trung Quốc không hề tham gia đánh cắp bí mật kinh tế cũng như chẳng khuyến khích, hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc làm điều ấy ... Tấn công mạng là tội phạm phải bị luật pháp trừng trị”
Như thế, Tập Cận Bình đồng ý không làm điều mà đã nhiều lần đoan chắc chẳng hề làm” mà Thoả thuận chống tấn công mạng cũng làm cho Obama hài lòng.
 
Theo Ethan Gutmann thì Trung Cộng bắt đầu chiến dịch tin tặc từ năm 2002, nhưng, đẩy mạnh tấn công từ 2005 nhắm vào mạng lưới nhà thầu quốc phòng, Ngũ Giác Đài, CIA.
Công ty BlackOps Partners chuyên về phản gián, bảo vệ bí mật thương mại và lợi thế cạnh tranh đã ước tính Mỹ thiệt hại tới 500 tỉ USD/năm do bị tấn công mạng.
Tháng 5-2014, FBI buộc tội 5 quan chức thuộc Tổng cục 3 của Bộ Tổng tham mưu Trung Cộng liên quan đến các vụ tấn công mạng.
Hôm 23-09-2015 Cơ quan Quản trị Nhân viên (Office of Personnel Management) tuyên bố đã bị tin tặc đánh cắp 5.6 triệu hình chỉ tay của viên chức thay vì chỉ có 1.1 triệu như loan báo trước đây.
 
Nhưng, Tổng thống Obama không có ý định buộc tội Chính quyền Trung Quốc về các hoạt động tin tặc khi thảo luận với Tập Cận Bình.
Toà Bạch Ốc cho phép các Tư lệnh quân sự phát biểu nẩy lửa liên quan đến hoạt động chống Bắc Kinh tại Biển Nam Trung Hoa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ các các đô đốc tại các Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Hải quân TBD đều lên án gay gắt việc Bắc Kinh biến đá thành đảo nhân tạo có khả năng quân sự tại Trường Sa. Đồng thời, đưa ra tuyên bố trấn an đồng minh, đối tác và duy trì an ninh trên Biển Đông.
Tư lệnh Hải quân Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift từng thị sát Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa trên phi cơ hải tuần P-8A suốt 7 tiếng đồng hồ, kể cả vùng đảo nhân tạo của Trung Cộng.
Đô đốc Swift cũng ra lệnh cho Tư lệnh Hạm đội 3, Phó đô đốc Nora Tyson đại diện cho Hoa Kỳ tham dự duyệt binh với Hải quân Nhật Bản vào ngày 18-10-2015 như dấu hiệu  mở rộng hoạt động của hạm đội này tới Tây TBD.
Hạm đội 3 đóng bản doanh ở San Diego có 4 hàng không mẫu hạm, 100 chiến hạm chịu trách nhiệm vùng Đông Thái Bình Dương.
Đệ thất Hạm đội đóng bản doanh ở Yokosuka với 140 chiến hạm, 1 hoặc 2 hàng không mẫu hạm, 350 phi cơ và 60,000 binh sĩ kể cả thủy quân lục chiến.
Mở rộng hoạt động của Đệ tam Hạm đội tới Tây TBD như lời cam kết bảo vệ tuyệt đối an ninh hàng hải trên vùng biển quốc tế.  
 
Nhưng, Tập Cận Bình đã trả lời rõ trên tờ Wall Street Journal bên thềm chuyến công du Hoa Kỳ về tình hình Biển Nam Trung Hoa rằng “Quần đảo Nam Sa (Trường Sa, Spratly) đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ thời xưa dựa vào chứng cứ pháp lý và lịch sử. Sự phát triển và bảo trì các hòn đá ở Nam Sa không nhắm vào các quốc gia khác, chẳng nên diễn đạt thái quá. Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu quân-sự-hoá”.
Thế là, vấn đề Biển Đông bị loại khỏi chương trình thảo luận giữa Obama-Tập Cận Bình tại Hoa Thịnh Đốn.
 
Hiệp ước Đầu tư Song phương (Bilateral Investment Treaty) được kỳ vọng vẫn nằm ngoài nghị trình chứng tỏ chẳng bên nào hài lòng.
Quan hệ quân sự Mỹ-Trung chỉ ký được Thoả ước Tránh va chạm Trên Không trung. Tại Biển Đông thì chiến hạm Mỹ chỉ chạm trán với lực lượng tuần duyên của Trung Cộng. Bóng ma chiến tranh nhân dân trên Biển Nam Trung Hoa đang được các chiến lược gia Hải quân Mỹ bàn cãi.
 
Lĩnh vực thay đổi khí hậu không gây căng thẳng nên Obama và Tập đều dễ thoả hiệp khi đồng ý cắt giảm 32% khí thải vào năm 2030 so với năm 2005.
Tổng quát mối quan hệ song phương, Tổng thống Obama tuyên bố trong cuộc họp báo chung "sự hợp tác của chúng ta đang mang lại kết quả". Chủ tịch Tập nhấn mạnh tới "mối quan hệ cường quốc kiểu mới mà Hoa Kỳ nằm ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc".
 
Khi gặp mặt riêng tư tại California, Tổng thống Obama hố khi chấp nhận ý kiến "quan hệ cường quốc kiểu mới" do Chủ tịch Tập đề xướng nên không nhắc tới sợ xúc phạm các đồng minh. Nhưng, Tập Cận Bình và những chiếc loa của đảng cộng sản thường xuyên nhắc lại để hàm ý Hoa Kỳ và Trung Cộng sẽ quyết định vận mệnh thế giới!
Chuyến công du Hoa Kỳ của chủ tịch Trung Quốc tạo điều kiện cho Tập Cận Bình và Barack Obama cùng thắng.
 
Tập Cận Bình làm cho Mỹ không thể cáo buộc Bắc Kinh dính tới các vụ tin tặc từ trước và tương lai. Buộc Hoa Kỳ coi Biển Nam Trung Hoa như chiếc ao nhà của Trung Quốc. Thuyết phục các đại công ty đa quốc mang vốn và kỹ thuật để giúp cải thiện nền kinh tế và nâng cao khả năng quân sự của Trung Cộng. Không ký Hiệp ước Thương mại Song phương để Bắc Kinh có thể chèn ép các công ty Mỹ hoạt động tại Hoa Lục. Nâng cao vị thế của Trung Cộng qua các quyết định song phương với Hoa Kỳ trong các vấn đề quốc tế.
 
Ngược lại, Tổng thống Obama sẽ có những tháng ngày ít sóng gió để tham gia tích cực vào cuộc bầu cử năm 2016. Đồng thời, lưu giữ hình ảnh một nhà lãnh đạo chỉ dùng ngoại giao để giải quyết các mối tranh chấp quốc tế.
 
Tương lai nước Mỹ và thế giới, Tổng thống Obama sẽ hân hoan nhường lại cho người kế nhiệm.
 
Đại-Dương
_________
 
Tài liệu tham khảo:
 
What to Read on Xi Jinping's US Visit (The Diplomat)
6 Takeaways from Xi Jinping's US Visit (The Diplomat)
The U.S. and China agree not to conduct economic espionage in cyberspace (The Washington Post)
Xi proposes six points for developing China-US ties (The People Daily)
Xi Jinping's 21-gun salute belies a rocky turn in US-China relations (CSM)
 
--

Để có thêm tùy chọn, hãy truy cập https://groups.google.com/d/optout.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét