Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Nhận xét thành quả chính trị của Tổng Thống Obama


Nhận xét thành quả chính trị của Tổng Thống Obama

Vũ Ngọc Yên


Bởi Admin
11/01/2017
0 phản hồi
     
Vũ Ngọc Yên
Chỉ còn vài ngày nữa , Tổng thông Obama sẽ ra đi và chuyển giao quyền hành cho Donald Trump, người thắng cử Tổng Thống trong năm 2016.
Với gương mặt dịu dàng, phóng khoáng, điềm tĩnh và dễ gây thiện cảm Obama trông không khó chịu như George W. Bush hay nạt nộ như Donald Trump. Xét về nhân cách, Obama rất được hâm mộ như John F. Kennedy ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Foto: AP
Thành quả chính trị qua hai nhiệm kỳ cầm quyền
Về phương diện kinh tế
Nước Mỹ dưới chính quyền Obama đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Obama đã thực hiện một chương trình phục hưng kinh tế với 800 tỷ USD và cứu nguy nền kỹ nghệ ô tô bằng trợ cấp tài chính.
Mục tiêu tạo việc làm và tăng lương, chính quyền Obama đã đạt được nhiều thành quả. Hơn 2,16 triệu việc làm mới đã làm mức độ thất nghiệp giảm đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp đã từ 10% ở năm 2010, nay giảm xuống mức 4,6%. Lương tối thiểu mỗi giờ được tăng thêm 2,9%. Ngoài ra chương trình Obamacare nhờ cải cách y tế đã giảm lượng công dân không có bảo hiểm y tế từ 16 xuống 9%.
Cán cân thương mại bị khiếm khuyết nặng và nợ công tăng cao. Khởi đầu nhiệm kỳ Obama vào năm 2009, nợ công khoảng 10,600 tỷ USD nhưng nay đã vọt lên 20,000 tỷ USD.
Về nội chính
Obama muốn một nước mỹ hài hòa, nhưng đất nước nay bị phân hóa hơn bao giờ hết. Trong bài diễn văn cuối cùng về hiện tình quốc gia „State of the Union“ Obama đã lấy làm tiếc về tình trạng mất niềm tin và chia rẽ trong xã hội. Nguyên nhân nước Mỹ phân hóa không chỉ ở lỗi lầm của chính quyền Obama, mà phần lớn do đảng cộng hòa, phong trào dân túy bảo thủ cực hữu Tea-Party và những thành viên lãnh đạo mỵ dân như Donald Trump, Ted Cruz cự tuyệt hỗ trợ chính trị.
Đối với di dân, Obam muốn hợp thức hóa tình trang cư trú bất hợp pháp cho 4 triệu người, nhưng Đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong quốc hội chống đối.
Vị Tổng Thống da mầu đầu tiên muốn làm người trung gian hòa giải, nhưng đã bất lực nhìn cảnh sát giết người da đen. Nhiều cuộc biểu tình, bạo loạn đã diễn ra liên tục và có nguy cơ gây ra tranh chấp chủng tộc. Là người mưốn hòa giải, kết cục Obama bị xem là kẻ phân hóa.
Người dân đã thất vọng và không còn tin tưởng nhiều vào chính quyền như những năm khởi đầu nhiệm kỳ. Obama không cải cách được luật vũ khí, không giữ lời hứa giải tỏa nhà tù Guantanamo ở Cuba cũng như không mang lại hòa bình cho Irak và A Phú Hãn. Obama cho phép mở rông cuộc chiến Drohnen ở nhiều nơi gây thương vong cho thường dân vô tội, Obama đã tránh né không ân xá cho cựu nhân viên tình báo trung ương Snowden, và thậm chí còn chủ trương phạt nặng người tố giác những lạm dụng dữ liệu cá nhân của các cơ quan nhà nước theo luật (Espionage Act 1917).
Sự chiến thắng của Trump được dư luận xem như một cách thanh toán chính trị và chỉ dấu rõ ràng cho sự thất bại trong chính sách nội chính của chính quyền Obama. Trong tương lai nhiều thành quả để đời của Obama như Obamacare có thể bị người kế nhiệm dẹp bỏ.
Về phương diện đối ngoại
Obama đã cải thiện được mối bang giao giữa Mỹ và các quốc gia thù nghịch như Cuba, Ba Tư, Việt Nam. Người mang giải Nobel Hòa bình đã có nhiều nỗ lực tìm giải pháp dung hòa trong lãnh vực biến đổi khí hậu. Trong các cuộc thương thảo, Tổng Thống Obama không cao ngạo, luôn giữ sự điềm đạm .
Obama đã kết thúc chiến tranh Irak bằng sự can thiệp quân sự. Tuy nhiên nước này đến nay vẫn còn chìm đắm trong cuộc nội chiến. Tại Syria, thái độ lưỡng lự của chính quyền Mỹ đã không tạo ổn định cho nước này. Lúc thì Obama lên tiếng đe dọa sẽ mang quân vào chống Tổng thống Baschar al-Assad, lúc lại xuống thang hòa dịu. Đối với Israel và sắc dân Kurds, Obama không hỗ trợ nhiệt thành. Chính chính sách đối ngoại không cương quyết của Obam đã làm khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) có cơ hội bành trướng và phát triển.
Trên trường chính trị thế giới, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Obam đã để mất ưu thế vì những sai lầm và thiếu khôn ngoan ngoại giao. Nga Sô đang phục hồi vị thế dù bị cấm vận chính trị và kinh tế, Trung quốc ngày càng lấn áp. Đồng minh Saudi-Arabia tự lập liên minh lãnh đạo cuộc chiến chống Ba Tư làm tình hình Trung đông thêm phần phức tạp. Thế giới thấy vắng bóng một chiến lược ngăn chặn chiến tranh hữu hiệu của Obama.
Ngay Minh Uớc Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng trở nên yếu kém vào cuối nhiệm kỳ của Obama. Vì Obam không xem trọng và lưu tâm, nên quan hệ giữa các thành viên trong Liên minh NATO không còn nồng nàn và NATO đang trở thành một mô hình lỗi thời.
Quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Obama tồi tệ. Obama liên tục ban hành nhiều biện pháp cấm vận và kình chống Nga như thời chiến tranh lạnh. Cuộc chiến Ukrain bùng nổ, trong đó Mỹ cũng có phần trách nhiệm. Mang tâm trạng thù nghịch Tổng Thống Nga Putin, Obama vào cuối nhiệm ky đã cáo buộc tin tặc Nga đã ảnh hưởng vào cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016 và ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Người kế nhiệm sắp tớin D. Trump đã không đồng tình với cáo buộc của Obama và tuyên bố ngược lại khen ngợi Putin khôn ngoan và mong muốn hợp tác với Nga trong tương lai.
Nói chung, Âu châu và nhiều quốc gia đánh giá tiêu cực thái độ chống Nga của Obama. Vị Tổng Thống mang giải hòa bình khởi đầu muốn tránh chiến tranh, nhưng sau cùng lại tạo ra nguy cơ có thể đe dọa hòa bình thế giới.
Khi Obama trở thành Tổng Thống Mỹ nhiều quan sát viên đã nhất trí: Vị tổng thống ra đời ở Hawaii và 4 năm thời niên thiếu sống ở Nam Dương sẽ đưa nước Mỹ hướng về Thái Bình Dương.
Trong hơn bảy năm qua, ông Obama đã đến thăm hầu hết các nước trong vùng – trong đó có nhiều nước đến hai lần, như Nam Dương (Indonesia 2010, 2011), Miến Điện (Myanmar 2012, 2014), Mã Lai Á (Malaysia 2014, 2015) và Phi Luật Tân (Philippines 2014, 2015). Trong chiều hướng bình thường hóa toàn diện với quốc gia cựu thù, Obama đã thăm viếng Việt Nam từ ngày 23 đến 25.05.2016..Dư luận nhận định chuyến công du Việt Nam nhằm giúp Obama khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á.
Chính quyền Obama đánh giá Á Châu-Thái Bình Dương là trọng tâm của kinh tế và chiến lươc thế giới trong thế kỷ 21 nên Mỹ muốn xây dựng mối liên kết sâu rộng với một khu vực đang phát triển đồng thời tăng cường sự hiện diện tại khu vực thông qua quan hệ thương mại. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là công cụ giúp Mỹ điều chỉnh lại chiến lược kiềm chế sự trổi dây của Trung Quốc. Các quốc gia Á châu đã đặt nhiều niềm tin vào sự thực thi Hiêp định TPP. Nhưng tiếc rằng, Tân Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP.
Thay lời kết
Thành quả chính trị qua hai nhiêm kỳ cầm quyền của Obama đang gây nhiều tranh luận. Obama đã thành công trong lãnh vực kinh tế, nhưng lại không nhận được sự thừa nhận của người dân trong các chính sách đối nội. Là người muốn quốc gia thống nhất, hài hòa, nhưng kết quả đất nước bị phân hóa trầm trọng. Về mặt an ninh – đối ngoại khởi đầu Obama theo đuổi một chiến lược thức dụng, ít tham vọng. Obama đã cải thiện bang giao với các nước cựu thù như Cuba, Ba Tư, Việt Nam. Nhưng vào những năm sau cùng của nhiệm kỳ, Obama đã mắc nhiều lỗi chiến lược khi phân tán sức lực cho ba mặt trận: chống Khủng bố, chống Nga và kiềm chế Trung Quốc thay vì hòa hoãn với Nga và quyết tâm giải quyết cuộc chiến ở Trung Đông để tập trung năng lực cho chiến lược chuyển trục về Á Châu.
Có một điểm son cho Obama, chính quyền ông không tạo ra những vụ tai tiếng bê bối như vụ Lewinsky thời Bill Clinton hay Ba Tư-Contra thời Ronals Reagan. Obama là ngườị lãnh đạo trong sạch và đứng đắn. Những cá tính của Obama sẽ khiến mọi người nhớ đến một khi không tìm được phẩm chất đạo đức lãnh đạo ở người kế nhiệm.
Vũ Ngọc Yên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét