Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Barack Obama đã chói sáng ở trường Luật Harvard như thế nào

 Barack Obama đã chói sáng ở trường Luật Harvard như thế nào

Barack Obama đã chói sáng ở trường Luật Harvard như thế nào

Ngày 5/1/2017, tạp chí luật Harvard Law Review bất ngờ đăng một bài nghiên cứu dài 24 nghìn từ của Tổng thống Barack Obama, hai tuần trước khi ông rời nhiệm sở. 
Đây không phải bài viết đầu tiên của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ được đăng trên Harvard Law Review. Gần 30 năm trước đây, ông là sinh viên sáng chói của trường Luật Harvard khi được biết đến như là tổng biên tập da màu đầu tiên của tạp chí có lịch sử hơn 100 năm này. 
Barack Obama đặt chân đến trường Luật Harvard (HLS) vào mùa đông năm 1988. Ở tuổi 27, cậu già hơn hầu hết sinh viên trong trường. Ở Mỹ, muốn học luật, sinh viên phải có một bằng đại học ngành khác trước. Hầu hết sinh viên đi học luật ở độ tuổi 22-25, khi mới tốt nghiệp đại học. Barack Obama hơi khác một chút. Sau khi tốt nghiệp ngành Chính trị học ở Đại học Columbia (New York) năm 1983, ông dành 5 năm làm việc như một nhà hoạt động cộng đồng ở Chicago trước khi quyết định đi học luật. Ảnh: Pinterest.

“Tôi tới trường Luật Harvard và dành phần lớn ba năm học trong thư viện, nghiền ngẫm những vụ án và bộ luật” – Obama hồi tưởng trong cuốn “Giấc mơ của cha tôi” xuất bản năm 1995. Ảnh: Daily Mail.

Giáo sư luật Harvard Kenneth W. Mack có ấn tượng đặc biệt sâu sắc với người bạn học Barack Obama: “Anh ta thực ra chỉ hơn tôi và hầu hết các sinh viên khác vài tuổi, nhưng có cảm giác anh ta phải già hơn chúng tôi cả chục tuổi”. Ảnh: Harvard University News Office. 

“Nhiều người cứ tưởng anh ta sẽ chỉ thích thú trong những vấn đề chính trị hời hợt thôi, nhưng anh ta tạo cho tôi ấn tượng đầu tiên là một người hiểu biết sâu rộng, người có thể dễ dàng nói về an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế cũng như cắt giảm thuế quan và chính sách giáo dục” – Giáo sư Kenneth W. Mack viết trên Harvard Law Today. Ảnh: NY Daily News.

Hồi tưởng về Barack Obama vào đầu năm 2008, khi Obama đang tranh cử tổng thống lần đầu tiên, Giáo sư Kenneth W. Mack nói: “Trong những sinh viên xuất sắc nhất, Barack có lẽ là người chói sáng và sâu sắc hơn cả, nhưng anh ta không khoe khoang kiến thức của bản thân, luôn gây ấn tượng ấm áp và rất tốt bụng. Điều đó khiến cho anh ta trở thành một trong những người dễ mến nhất khoá”. Ảnh: Corbis/Getty Images.

Ông Laurence Tribe (phải) là Giáo sư Luật Hiến pháp của Harvard khi Obama còn là sinh viên. Ông đã đã tiếp nhận Obama làm trợ lý nghiên cứu từ tháng 3/1989 với ấn tượng mạnh mẽ về cậu sinh viên này. Chia sẻ trên Harvard Law Today, ông nói hiếm khi ông tuyển sinh viên năm nhất làm trợ lý, nhưng ông đặc biệt thích thú với sự thông minh, tò mò và chững chạc của Obama. Người trợ lý này đã giúp ông nghiên cứu một đề tài phức tạp về mối liên hệ giữa vật lý học và luật hiến pháp, cũng như giúp ông viết một cuốn sách về nạo phá thai. Đến năm học kế tiếp thì Obama mới học môn luật hiến pháp của ông. Ông nói, ông đã dạy 4.000 sinh viên trước Obama, 4.000 người nữa sau đó, nhưng chẳng ai để lại trong ông ấn tượng sâu sắc đến như vậy. Ảnh: New York Magazine.

Điều khiến Barack Obama được nhớ đến nhiều nhất là việc ông trở thành biên tập viên của tạp chí luật Harvard Law Review sau năm thứ nhất, và đắc cử chức tổng biên tập sau năm thứ hai. Điều đáng nói hơn là, ông là tổng biên tập người da màu đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm của tờ tạp chí do sinh viên điều hành này. Đây được coi là vị trí cao nhất mà một sinh viên luật Harvard có thể đạt tới. Các báo lớn ở Mỹ dồn dập đưa tin về sự kiện này như một hiện tượng. Ảnh: The Millenim Report.

Trả lời phỏng vấn New York Times vào thời điểm đắc cử chức Tổng biên tập Harvard Law Review, Obama nói: “Mọi thứ đã tiến bộ rất nhiều. Nhưng điều quan trọng là có những câu chuyện như chuyện của tôi không có nghĩa là mọi thứ đã O.K với người da đen. Bạn phải nhớ rằng có hàng trăm, hàng ngàn sinh viên da đen tài năng ít nhất là như tôi mà không có được cơ hội tiến thân nào”. Ảnh: Một trang tạp chí Harvard Law Review những năm 1990-1991 (Student Profile at Harvard University).

Obama tỏ ra là một lãnh đạo xuất sắc của Harvard Law Review, người luôn có khả năng tập hợp mọi người xung quanh mình để cùng làm việc. Tổng biên tập Obama luôn có quan điểm chính trị riêng, nhưng không giống như nhiều người khác, ông có cách nói chuyện khiến cho những người có quan điểm khác biệt nhau ngồi lại với nhau và cùng tìm ra một giải pháp nào đó. Bạn học của Obama vẫn nhớ rằng, trong kỳ bầu cử chức tổng biên tập năm đó, có một sinh viên bất đồng sâu sắc với hầu hết quan điểm chính trị của Obama nhưng đồng thời cũng lại là người nhiệt thành ủng hộ ông tranh cử. Ảnh: Obama (giữa) cùng hơn 80 biên tập viên của Harvard Law Review năm 1990 (New York Daily News).

Với vai trò là Chủ tịch một hội sinh viên trong trường cũng như lãnh đạo của Harvard Law Review, Obama tham gia vào những phong trào sinh viên thời đó. Vào năm 1991, nhiều sinh viên biểu tình yêu cầu nhà trường phải tuyển thêm giảng viên da đen và phát đơn kiện nhà trường về việc phân biệt đối xử. Obama diễn thuyết trước một cuộc biểu tình năm đó, nhưng thường chọn cách đứng sau điều phối công việc. Ảnh: Obama diễn thuyết trước đoàn biểu tình (BuzzFeed).

Giáo sư Martha Minows, người dạy Obama ở Harvard, chia sẻ: “Khi cậu ấy phát biểu trong lớp của tôi, tất cả mọi người trở nên rất chăm chú và trật tự”. Ảnh: Harvard Law Today.

Trong suốt ba năm ở Harvard, Obama đã gây được sự tin tưởng đặc biệt với nhiều bạn học. Artur Davis (phải), người tốt nghiệp sau Obama hai năm và sau này trở thành chính trị gia, thực sự bị thuyết phục từ thời sinh viên rằng Obama có tố chất của một thẩm phán tương lai của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Ảnh: Politics365.

Khi Obama quyết định tranh cử tổng thống năm 2007, ông đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp của bạn học cũ. Một trong số đó là Giáo sư luật Jonathan Molot của trường Georgetown. Ông nói, “Chưa bao giờ trong đời mình tôi gặp được một người mà tôi có thể nói rằng người này nên trở thành tổng thống”. Ảnh: Obama Diary.

Barack Obama tốt nghiệp trường Luật Harvard năm 1991 và trở về quê nhà Chicago, bắt đầu sự nghiệp của một luật sư nhân quyền. Hành trình trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ của ông bước sang một trang mới từ đây. Ảnh: Harvard Political Review.

Bài liên quan:


Tài liệu tham khảo:
Đọc thêm:

Bình luận


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét