Khi tổng thống không sợ tuần trăng mật đắn
Nguyễn Xuân Nghĩa
Tổng thống tân cử Donald Trump gần hoàn tất ban tham mưu và cho thấy chiều hướng lãnh đạo sau khi tuyên thệ nhậm chức. Ông cũng đi thăm các tiểu bang đã giúp mình thắng cử và tiếp tục tranh thủ hậu thuẫn của quần chúng cho trận đánh sắp tới với Quốc Hội.
Như thông lệ, mọi phát biểu của ông trong hơn một tháng sau khi đắc cử đều được truyền thông loan tải và giới bình luận đả kích – là chuyện đã nhàm. Nếu lại căn cứ vào đó mà suy xét có khi ta gặp bất ngờ như đã bị bất ngờ vào đêm đếm phiếu. Với tinh thần “kinh tế cũng là chính trị,” ta có thể nhìn cách khác để tìm hiểu về mô hình kinh tế vị tổng thống thứ 45 sẽ áp dụng.
Trước hết, nhân sự được Donald Trump mời hợp tác có nét chung là người được việc ngoài đời, gồm nửa tá doanh gia có thành quả nên trở thành tỷ phú, bốn chiến tướng với thành tích quân sự và lý luận văn hóa, cùng nhiều người đã chứng tỏ khả năng giải quyết bài toán của đời sống thật. Ông tránh chọn giáo sư hay học giả và nếu mời chính khách tham gia nội các thì vì họ có kinh nghiệm nghị trường nhằm tranh thủ hậu thuẫn của Quốc Hội.
Ngược với lối phát biểu khi tranh cử, Trump biết là tổng thống Hoa Kỳ không có toàn quyền mà phải thỏa hiệp với thị trường và chính trường. Nhưng ông thỏa hiệp trong tinh thần hung hãn là vừa mặc cả vừa gây áp lực. Việc ông tiếp tục nói chuyện với dân chúng và dùng Twitter loan tin cho gần 18 triệu khách theo dõi cho thấy Donald Trump vẫn phát huy sức mạnh của quần chúng làm đòn bẩy cho việc mặc cả và gây sức ép.
Qua những gì trình bày, tổng thống tân cử gián tiếp nêu ra triết lý chính trị của ông: khinh rẻ trí thức và truyền thông; xem chính trị gia là phường ăn hại đái nát và chính trường thủ đô là xình lầy tham ô phải khai thông; đề cao tư doanh và việc truy tìm doanh lợi vì đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ và tạo ra việc làm cho dân Mỹ.
Chính quyền Trump khinh miệt những kẻ yếu đuối theo xã hội chủ nghĩa và cố bảo vệ nguyên trạng nhưng khuyến khích và yểm trợ người dám làm, kể cả và nhất là những ai muốn làm giàu vì sự giàu có này tạo ra sức mạnh cho Hoa Kỳ. Dù ca tụng doanh gia, Trump vẫn khai chiến với các đại tổ hợp đã trục lợi bất chính nhờ thế lực chính trị và ông mời chính doanh gia vào nội các để giải trừ hiện tượng đó. Thành phần này sẽ mất lợi tức của doanh trường, lãnh lương công chức, bị báo chí và đối lập theo dõi khi Thượng viện chưa bước vào thủ tục phê chuẩn. Nhưng ít ra họ không bị chính quyền mới coi là con buôn tham lam mà là người yêu nước.
Hóa ra chúng ta vừa chứng kiến một cuộc cách mạng văn hóa, tương tự như trường hợp Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc hay Ronald Reagan tại Hoa Kỳ từ năm 1980.
Nếp văn hóa mới sẽ thay đổi môi trường kinh tế Hoa Kỳ, với hậu quả lan rộng toàn cầu: từ nay mọi quyết định kinh doanh táo bạo sẽ được yểm trợ bằng chánh sách đầu tư và thuế khóa, tư bản trút về Mỹ sẽ tạo ra công ăn việc làm cho dân Mỹ. Sự thay đổi ấy khiến nhiều người hết trữ bạc trong nhà, hay gửi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi suất bèo, mà thử thời vận trong một kỷ nguyên kinh tế mới. Nhưng sự thay đổi này tất nhiên làm giảm doanh lợi của nhiều khu vực và gây ra cưỡng chống rồi chuyển hóa lên chính trường thành đối lập. Tuần trăng mật của Trump sẽ có nhiều mật đắng!
Ngay trong 100 ngày chấp chánh đầu tiên của tổng thống mới, ta có thể chứng kiến sự vận hành ly kỳ đó ngoài thị trường và trong chính trường. Để thấy ra nội dung của sự xoay chuyển trái chiều này, ta sẽ tìm hiểu vài nét kinh tế chính trị học Donald Trump trong thực tế…
Trong quá khứ, mỗi khi kinh tế hay xã hội có vấn đề thì chính quyền giải quyết bằng tiền. Giới chính trị biểu quyết việc tăng chi, nhờ đó tranh thủ lá phiếu cử tri tại địa phương, nhưng đồng tiền từ trên ban xuống không được sử dụng với tính toán về hiệu năng, vì là tiền chùa, mà chỉ gây thêm bội chi ngân sách và chất lên núi nợ nay đã mấp mé hai chục ngàn tỷ đô la. Donald Trump cũng nói đến cả ngàn tỷ để xây dựng lại hạ tầng cơ sở ruỗng nát của Hoa Kỳ, nhưng đề nghị sự tham gia của tư doanh và việc phát hành trái phiếu, tức là đi vay.
Theo triết lý chính trị nhuốm mùi đại chúng populist – nhìn từ phía đối lập thì đấy là mị dân – ông Trump chủ trương xây dựng hạ tầng cơ sở với sự tham dự của doanh nghiệp tư nhân.
Ngân hàng, công ty xây cất và các địa phương cùng hợp tác để thực hiện các dự án thích hợp nhất hầu tránh được hiện tượng “bắc cầu vào hư vô.” Chi tiền thôi chưa đủ, tinh thần thực dụng hơn bao cấp đòi hỏi sự tính toán là chi vào đâu, theo tiêu chuẩn gì, cho mục tiêu gì và ai sẽ thanh toán? Vai trò của doanh nghiệp và ngân hàng được đề cao trong tinh thần đó. Ngân hàng chi tiền cho doanh nghiệp thực hiện tại địa phương thì phải nghĩ đến việc hoàn trả sau này…
Một hình ảnh khác về hạ tầng là giáo dục. Nếu thiếu sự hợp tác ấy giữa học đường và doanh trường thì ngôi trường cũng chỉ là cõi hư vô, nơi thầy cô là công chức lãnh lương mà ngồi chơi sơi nước vì không đào tạo ra nhân lực phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Đấy là một khía cạnh khác của việc phát huy xã hội dân sự bên ngoài sự can thiệp của chính quyền.
Nói đến chi và trả, tinh thần bao cấp tràn lan từ nhiều thập niên khiến ta dễ quên vài con số.
Lực lượng lao động Hoa Kỳ có 145 triệu người, 125 triệu phục vụ trong doanh nghiệp tư nhân và 20 triệu là công chức trong bộ máy hành chánh, giáo dục hay trật tự công cộng, từ cảnh sát đến cứu hỏa, v.v… Sự thật kinh tế là 125 triệu người trong tư doanh đang lao động để nhà nước có tiền trả lương cho 20 triệu công chức với đầy đủ phúc lợi xã hội. Khi chú trọng đến tư doanh, chính quyền Trump mang tiếng là làm giàu cho tư bản, nhưng số phận của 125 triệu tư chức cũng sẽ đổi khác. Ông Trump tiếp tục nói chuyện với quần chúng theo hướng đó.
Sang chánh sách tài chành công với gánh công trái quá nặng, tổng thống tân cử đề nghị một cuộc cải tổ thuế vụ rộng lớn.
Hệ thống thuế khóa Hoa Kỳ quá phức tạp rắc rối và riêng về thuế doanh nghiệp thì thuế suất biên tế, mức thuế đánh trên một đô la lợi nhận phụ trội, thuộc loại cao nhất thế giới. Vì vậy, các tổ hợp lớn mới giữ tiền ở hải ngoại – hai ngàn $500 tỷchứ không ít. Họ đầu tư hay thụ đắc doanh nghiệp ở nước ngoài, mặc nhiên tạo ra việc làm cho ngoại quốc. Chính quyền Trump mời doanh gia vào vai trò cố vấn để đề nghị chánh sách kinh tế mới cho hai mục tiêu là phát triển sản xuất và tạo ra việc làm, trong đó có quyết định giảm thuế doanh nghiệp để hút lại tư bản về nước.
Đảng Cộng Hòa đa số cũng đồng ý với nguyên tắc giảm thuế, dù có khác về mức độ, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hồi hương tư bản. Song song, việc giản hóa thủ tục hành chánh và nới lỏng kiểm soát cũng được đôi bên đề cập nhằm giải phóng sức sản xuất của doanh nghiệp. Vấn đề là khi tăng chi và giảm thuế, thì ngân sách liên bang có thêm bội chi không?
Giới kinh tế bảo thủ, theo chủ trương tự do, cho là việc kích thích sản xuất bằng giảm thuế sẽ nâng lợi tức và nguồn thu thuế khóa nên cuối cùng thì cũng không gây thêm bội chi. Thực tế thì ngân sách liên bang bị bội chi tới gần ngàn tỷ và sẽ còn lên vì quyết định tăng chi cho hai nhu cầu quốc phòng và xây dựng hạ tầng, chưa kể tiền lời của khối công trái hiện nay cũng sẽ tăng. Bài toán ngân sách là rủi ro đang chờ đợi kỳ vọng kinh tế của Donald Trump.
Sau cùng, với sản lượng bằng 25% của toàn cầu, kinh tế Hoa Kỳ tất nhiên ảnh hưởng đến thề giới.
Ngược với mọi dự báo bi quan, ngay sau khi Trump đắc cử, thị trường cổ phiếu và đồng Mỹ kim vọt tăng lên mức kỷ lục trước khi Ngân Hàng Trung Ương quyết định nâng lãi suất và còn báo trước là sẽ tăng ba đợt trong năm tới. Người ta ra khỏi kịch bản u ám của đà tăng trưởng èo uột trong mối lo giảm phát, mà nghĩ đến một vận hội mới: phân lời trái phiếu và lãi suất ngân hàng sẽ tăng cùng với đà sản xuất và rủi ro lạm phát khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp là 4,6%. Nếu khéo áp dụng thì chánh sách kinh tế mới sẽ tránh được lạm phát cao.
Chưa biết ra sao thì những xoay chuyện ấy đã chi phối thế giới.
Các nền kinh tế công nghiệp hóa bị trì trệ với lãi suất nằm dưới sàn như Âu Châu và Nhật Bản sẽ hưởng lợi nhờ đà tăng trưởng – và lạm phát – của Mỹ và nhờ trị giá cao của đồng Mỹ kim. Các nước mắc nợ nhiều thì khổ, nhất là nợ bằng đô la Mỹ. Các nền kinh tế đang lên cũng có lợi khi số cầu và hối suất đô la gia tăng nếu – chữ nếu tai ác – họ có hệ thống tài chánh lành mạnh và dự trữ ngoại tệ đủ dầy hầu đối phó với những biến động tài chánh sắp tới.
Nếu không, họ sẽ oán Trump và Mỹ!
Họ nên oán phản ứng bảo hộ mậu dịch đã có sẵn trong khối công nghiệp tiên tiến khi các quốc gia này duy trì chánh sách tiền rẻ và hối suất thấp để tìm lợi thế ngoại thương. Khi tranh cử, ông Trump nói tới các biện pháp nhuốm mùi bảo hộ, với tinh thần rà soát lại mọi hiệp ước thương mại được cho là gây bất lợi cho kinh tế và nhân công Mỹ. Nhưng với Chính quyền Trump, thì mọi việc sẽ là mặc cả và trả giá, trong khi đa số Cộng Hòa xưa nay đều chống bảo hộ mậu dịch và các doanh gia trong nội các Trump đều chỉ cho tổng thống biết rằng trong thế hội nhập chuỗi cung cấp hàng hóa giữa các nước hiện nay, cuộc chiến mậu dịch sẽ gây thiệt hại cho mọi người…
Chúng ta chưa biết sự thể sẽ xoay chuyển thế nào, nhưng khi theo dõi tình hình Âu Châu và Hoa Kỳ, có lẽ ta thấy mọi nơi đều khát khao thay đổi, các chính quyền cưỡng chống thay đổi hoặc muốn bảo vệ nguyên trạng đều bị cử tri trừng phạt. Chính quyền Trump đang hứa hẹn sẽ thay đổi và biết trước là không được thời gian ân hạn của báo chí!
Chuyện này sẽ còn ly kỳ hơn cuộc tranh cử vừa qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét