Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Đời bi kịch của Trung tướng Đặng Văn Quang Posted on July 22, 2011

Đời bi kịch của Trung tướng Đặng Văn Quang


https://buivanphu.wordpress.com/2011/07/22/d%E1%BB%9Di-bi-k%E1%BB%8Bch-c%E1%BB%A7a-trung-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-d%E1%BA%B7ng-van-quang/


Đời bi kịch của Trung tướng Đặng Văn Quang

Bùi Văn Phú
Trung tướng Đặng Văn Quang
Trung tướng Đặng Văn Quang, nguyên cố vấn quân sự và an ninh quốc gia của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa qua đời tại Hoa Kỳ, khép lại cuộc đời một vị tướng miền Nam phản ánh của bi kịch chính trường Sài Gòn và quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng hoà
Ông rời Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4-1975, đến trại tị nạn ở bang Arkansas. Sau đó tướng Quang vội vã rời đây vì e ngại nỗi uất hận của đồng hương bột phát sẽ không an toàn cho bản thân ông vì có một số lời đồn đại không tốt từ thời chiến. Ông sang Canada thăm con và khi trở lại Hoa Kỳ thì chính phủ Mỹ không cho nhập cảnh mà không nêu lý do. Canada cũng không muốn sự có mặt của tướng Quang trên đất nước họ vì những cáo buộc liên hệ đến ông và muốn trả ông về Việt Nam.
Sự việc đã làm xôn xao dư luận người Việt hải ngoại trong thời gian đầu định cư ở nước ngoài.
Theo cựu trưởng phân tích gia của CIA Frank Snepp viết trong tác phẩm Decent Intervalxuất bản năm 1977, ngày 29-4 tướng Quang đến trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong lúc đông người đang chen lấn mong được di tản.
Từ trong sân toà đại sứ, giám đốc CIA tại Việt Nam Tom Polgar nhận ra tiếng tướng Quang gọi và ra lệnh cho lính thủy quân lục chiến mở cổng cho vào. Vào bên trong, tướng Quang tiếp tục tìm cách cầu cứu vì đã bỏ lại người con và cháu bên ngoài.
Theo Snepp, lúc này tướng Quang chẳng còn là người quan trọng đối với Hoa Kỳ vì ông đã phản bội người Mỹ khi không báo cho CIA biết về kế hoạch bỏ cao nguyên của Tổng thống Thiệu. Chiều hôm đó tướng Quang được di tản ra khỏi Việt Nam bằng trực thăng.
Trong Decent Interval còn ghi chi tiết là trước đó vài hôm tướng Nguyễn Cao Kỳ đã muốn bắt giam tướng Quang khi các tướng có mặt tại Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông đã lẩn thoát được.
Những bất đồng giữa tướng Kỳ và Tổng thống Thiệu trong thời gian nắm quyền lãnh đạo miền Nam, trong khi tướng Quang lại được ông Thiệu tín cẩn, đã gây nhiều hiềm khích giữa tướng Kỳ và tướng Quang với nhiều đồn đoán có dư luận cho rằng do phe tướng Kỳ đưa ra, về tham nhũng, buôn bán bạch phiến dính tới tướng Quang mà người dân miền Nam một thời được nghe biết.
Tuy nhiên những ghi nhận trong các tác phẩm Decent Interval xuất bản năm 1977 và CIA and the Generals của Thomas L. Ahern, Jr. xuất bản năm 2009 đưa ra những tài liệu được giải mật cho thấy tướng Quang không liên hệ đến các cáo buộc buôn bạch phiến.
Vì tướng Quang được ông Thiệu tin cẩn và ông còn là người liên lạc giữa Dinh Độc lập với CIA nên cơ quan tình báo Mỹ đã có những điều tra riêng về nhân cách và biết rõ ông không liên quan đến bạch phiến như những tin đồn hay thông tin được nhà báo Mỹ Alfred W. McCoy viết trong tác phẩm The Politics of Heroin in Southeast Asia xuất bản vào đầu thập niên 1970. Nhiều thông tin trong sách này đã được các nhóm chống đối chính quyền của ông Thiệu, điển hình như phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh, dịch và phát tán tại Việt Nam trong những năm sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 1-1973. Tổng thống Thiệu lúc đó cho rằng các phong trào chống chính phủ của các tôn giáo Phật giáo, Công giáo là có người Mỹ đứng sau giật dây.
Cựu Trung tướng Đặng Văn Quang ngồi xe lăn. Đứng sau ông là nhà thơ Chinh Nguyên (trái), Bà Đặng Văn Quang, Giáo sư Bùi Văn Phú và cựu Thiếu tá Trần Văn Ngà (ảnh Bùi Văn Phú)
Theo Frank Snepp, tướng Quang là người giao tiếp giữa Dinh Độc lập và Đại sứ quán Mỹ. Ông đã có rất nhiều cuộc gặp với giám đốc cũng như nhân viên cao cấp của CIA ở Sài Gòn để trao đổi tin tức, phân tích tình hình chính trị, quân sự và chính sách của lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà với người Mỹ. Snepp nhận xét tướng Quang có nếp sống với chuẩn mực đạo đức cao, sòng phẳng về tiền bạc.
Vì thế câu chuyện tướng Đặng Văn Quang sau khi rời Việt Nam không được chính phủ Mỹ cho định cư, còn Canada đòi trục xuất đã làm xôn xao dư luận một thời.
Sống tạm dung ở Canada tướng Quang đã làm đủ mọi việc để kiếm sống, từ lau chùi văn phòng đến rửa chén.
Năm 1988, một sĩ quan Lực lượng Đặc biệt của Mỹ, cựu Trung tá Dan Marvin từng phục vụ tại Quân đoàn IV khi tướng Quang là tư lệnh, biết được việc chính phủ Hoa Kỳ không cho phép ông vào Mỹ nên đã vận động để trả lại sự thực và đòi công đạo cho một vị tướng Việt Nam Cộng hoà bị quá nhiều tai tiếng.
Marvin coi tướng Quang là người đã cứu mạng ông trong một tranh chấp lúc chiến tranh khi ông làm cố vấn tại làng Hoà hảo An Phú trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện này được Dan Marvin ghi trong tác phẩm Expandable Elite xuất bản năm 2003.
Tác giả đưa ra giả thuyết chính phủ Mỹ không cho tướng Quang nhập cư vì ông đã không tán đồng kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm ám sát Thái tử Norodom Sihanouk của Cam Bốt vào năm 1966.
Dan Marvin đã kiến nghị đến các dân cử, ban ngành liên hệ và cả với Tổng thống George H.W. Bush (Cha). Cựu giám đốc CIA tại Sài Gòn Tom Polgar, người đã có rất nhiều dịp gặp gỡ và tham khảo với tướng Quang khi còn làm việc, trong một bản tường trình ủng hộ cho ông được vào Hoa Kỳ có đưa ra nhận xét là tướng Quang và gia đình lúc ở Việt Nam đã không có một cuộc sống giầu sang, phú quý và những cáo buộc liên quan đến chuyện ông buôn bán bạch phiến là không có cơ sở vì theo những điều tra riêng của CIA thời đó, trước khi tổ chức này tin và liên lạc với ông, tướng Quang không có dính líu gì đến bạch phiến.
Sau đó chính quyền Canada hủy bỏ những cáo buộc liên quan đến tướng Quang và chính phủ Mỹ đồng ý cho ông định cư.
Đến Mỹ vào tháng 9-1989, hai ông bà có lúc sống ở Atlanta, khi ở nam California. Ông tiếp tục làm những việc lao động và vợ là bà Đỗ Thị Năm cũng làm bánh bán để kiếm sống.
Sau này vì tuổi già sức yếu, hai ông bà được sự giúp đỡ của cựu Thiếu tá Trần Văn Ngà, nguyên Trưởng ban Thông tin Báo chí Quân đoàn IV, đưa về sống trong một chung cư dành cho người già ở Sacramento, thủ phủ của bang California.
Mùa hè năm ngoái tôi có dịp đến thăm tướng Quang nhân dịp cùng đi với đoàn quay phim của Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đang thực hiện phỏng vấn 500 người để lưu lại trong thư viện Đại học Texas ở Austin. Tướng Quang đã yếu và trí nhớ kém nhiều vì tuổi già.
Cựu Trung tướng Đặng Văn Quang. Hình chụp vào tháng 8-2010 (ảnh Bùi Văn Phú)
Về những biến cố đã xảy ra có điều ông nhớ, có điều không. Tôi hỏi trong đời ông mang ơn ai nhất, tướng Quang nói đó là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đối với những người đã gây phiền lụy, tướng Quang nói ông tha thứ hết.
Cựu Trung tướng Đặng Văn Quang sinh ngày 21-6-1929 tại Sóc Trăng. Ông là một vị tướng trẻ nhất của quân đội Việt Nam Cộng hoà, từng giữ chức tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, tư lệnh Quân đoàn IV Vùng IV Chiến thuật. Chức vụ sau cùng của ông là phụ tá đặc biệt về quân sự và an ninh quốc gia cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông qua đời hôm 15-7 tại Sacramento, California, hưởng thọ 82 tuổi, để lại vợ, 7 người con và 9 cháu nội ngoại.
Tang lễ cựu Trung tướng Đặng Văn Quang đã được cử hành tại nhà thờ Các Thánh Tử đạo Việt Nam ở Sacramento, California chiều ngày 20-7-2011 và nghi thức hoả táng diễn ra vào trưa ngày hôm sau.
© 2011 Buivanphu
[Bài đã đăng trên BBCVietnamese.com ngày 21.07.2011]

About Bùi Văn Phú

Bùi Văn Phú is a community college teacher and a freelance writer from San Francisco Bay Area. He worked with Peace Corps in Togo, Africa and United Nations High Commissioner for Refugees in Southeast Asia. Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Trong thập niên 1980, ông làm tình nguyện viên của Peace Corps tại Togo, Phi Châu và làm tham vấn giáo dục cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại Đông nam Á.
This entry was posted in ở quê xưachính trị Mỹngười Việt hải ngoại and tagged 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét