Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Thế giới phản ứng Bắc Triếu Tiên thử bom khinh khí ( H)

Thế giới phản ứng Bắc Triếu Tiên thử bom khinh khí ( H)
 Bom H có sức mạnh khủng khiếp hơn so với quả bom ở Hiroshima
                                                                                          Thụy My
                                                         media
                                  Vụ nổ thử bom H đầu tiên, "Ivy Mike", ngày 01/11/1952, gần đảo Bikini, giữa Thái Bình Dương.Wikimedia

Bom H hay bom khinh khí, bom nhiệt hạch mà Bắc Triều Tiên khẳng định đã thử thành công hôm qua 06/01/2016, là loại bom có sức công phá mãnh liệt hơn nhiều so với hai quả bom A đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Bom A giải thoát ra năng lượng nhờ kỹ thuật phân hạch các nhân nguyên tử uranium hay plutonium. Còn bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến kỹ thuật hợp hạch theo phản ứng dây chuyền. Cho đến nay, chưa có quả bom H nào được dùng đến trong chiến tranh, mà chỉ cho nổ thử nghiệm.
Cụ thể hơn, bom H hay bom khinh khí, dựa trên nguyên tắc hợp nhất các nhân nguyên tử, giải thoát ra khối năng lượng còn lớn hơn cả nhiệt độ và áp suất ở trung tâm Mặt Trời. Khi một quả bom H nổ tung, thì các vụ nổ hóa học, nguyên tử và nhiệt hạch liên tục diễn ra trong một thời gian cực ngắn. Một quả bom phân hạch đầu tiên làm cho nhiệt độ tăng lên vô cùng cao, gây ra quá trình hợp hạch tiếp theo.
Ngày 01 tháng 11 năm 1952, Hoa Kỳ đã bí mật cho nổ loại bom mới này tại quần đảo Marshall ở giữa Thái Bình Dương. Một năm sau đó, đến lượt Liên Xô loan báo thử bom nhiệt hạch. Sức mạnh của quả bom H lớn nhất từ trước đến nay của Nga, mang tên « Tsar Bomba » được thử nghiệm vào ngày 30 tháng 10 năm 1961 ở trên bầu trời Bắc cực, là 57 mégatonne tức 57 triệu tấn. Về mặt lý thuyết, quả bom H này mạnh gấp 4.000 lần quả bom A thả xuống Hiroshima.
Còn bom A, được gọi chung là bom nguyên tử, sử dụng nguyên tắc phân rã các nhân nguyên tử. Có hai dạng, một là bom nguyên tử dùng uranium được làm giàu, dạng thứ hai dùng plutonium. Vụ nổ thử quả bom A đầu tiên diễn ra vào tháng Bảy năm 1945 tại vùng sa mạc New Mexico của Hoa Kỳ, cho thấy sức mạnh hủy diệt của bom nguyên tử.
Năng lực của quả bom uranium thả xuống Hiroshima là 15 kilotonne, tức 15 ngàn tấn. Còn quả bom ở Nagasaki dùng plutonium, có sức mạnh gần tương đương là 17 kilotonne, tức ngang với 17 ngàn tấn thuốc nổ TNT. Bốn năm sau, Liên Xô cho nổ quả bom Á đầu tiên của mình vào ngày 29 tháng Tám năm 1949 tại sa mạc vùng Kazachstan.
Kỹ thuật thu nhỏ quả bom là giai đoạn quyết định, vì giúp gắn đầu đạn nguyên tử vào hỏa tiễn. Theo Bình Nhưỡng, quả bom H cho nổ hôm qua đã được «thu nhỏ ». Hồi tháng 05/2015, Bắc Triều Tiên cũng đã khẳng định có khả năng bắn ra các đầu đạn nguyên tử từ các hỏa tiễn tầm xa có độ chính xác cao. Nhưng Nhà Trắng cho là không mấy tin Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân.
Hiện nay trên thế giới có ít nhất 9 nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được chính thức coi là các cường quốc nguyên tử : Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Theo các chuyên gia, tất cả năm quốc gia này đều sở hữu bom khinh khí.
Theo nhà phân tích Hans Kristensen của Federation of American Scientists (FAS), thì kho vũ khí của Mỹ, Anh và Pháp hiện nay hầu hết là vũ khí nhiệt hạch. Nga cũng có bom H, nhưng vẫn còn loại bom A. Ấn Độ (1974) và Pakistan (1998) đã gia nhập nhóm các cường quốc nguyên tử, cũng như Israel, nhưng chưa bao giờ được nhìn nhận. Cả ba nước này chỉ có các bom A, theo các chuyên gia.
Bắc Triều Tiên hôm qua loan báo thử nghiệm quả bom H đầu tiên, đã ba lần thử bom A vào các năm 2006, 2009, 2013, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt. Cuối cùng, Iran hồi tháng 07/2015 đã ký kết với các cường quốc (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) một thỏa thuận hạt nhân quy định hạn chế chương trình nguyên tử Iran, để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần các trừng phạt của nguyên tử, và việc dỡ bỏ này vẫn có thể xem xét lại.

Mỹ-Hàn phối hợp đối phó với Bắc Triều Tiên



Trọng Thành
mediaTổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (giữa) chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia tại phủ Tổng thống Nhà Xanh, Seoul, ngày 06/01/ 2016.REUTERS/Presidential Blue House/Yonhap

Một ngày sau khi Bắc Triều Tiên thông báo thử bom H, hai nguyên thủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc có cuộc điện đàm để thống nhất các phản ứng. Hai bên nhấn mạnh cộng đồng quốc tế phải có « các trừng phạt mạnh nhất và toàn diện nhất » đối với Bình Nhưỡng.
« Các trừng phạt mạnh nhất và toàn diện nhất » là lời của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc đàm thoại kéo dài khoảng 20 phút hôm nay, 07/01/2016, theo một thông cáo của Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Nội dung thông cáo có đoạn, « hai nhà lãnh đạo đã nhất trí (…) rằng Bắc Triều Tiên sẽ phải trả giá về vụ thử hạt nhân này. Hai bên cùng hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ để đạt được một nghị quyết mạnh tại Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc ».
Trong cuộc họp khẩn tối qua, 15 thành viên Hội Đồng Bảo An tuyên bố sẽ làm việc về « các biện pháp bổ sung đặc biệt », để đưa vào một nghị quyết mới về Bắc Triều Tiên, dự kiến sẽ được thông qua trong những ngày tới.
Về các phản ứng tại chỗ, theo một giới chức quân sự Hàn Quốc, được Reuters trích lời, Seoul đang thương lượng với Washington để triển khai « các phương tiện chiến lược Mỹ » trên lãnh thổ nước này. Giới chức Hàn Quốc không nói rõ phương tiện chiến lược nào. Việc sử dụng từ « phương tiện chiến lược » có thể khiến người ta nghĩ đến vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã nói rõ, Seoul cự tuyệt ý định trang bị vũ khí hạt nhân, cho dù Bắc Triều Tiên coi như đã sở hữu được bom H kể từ giờ. Phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, lãnh đạo Quốc phòng Han Min-goo tái khẳng định chính sách « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».
Trước mắt, phản ứng đáng kể nhất của Hàn Quốc là nối lại các chương trình tuyên truyền xuyên biên giới Liên Triều, với các loa phóng thanh cực lớn. Chương trình này được ngưng lại hồi tháng 8/2015, sau các căng thẳng dâng cao tại vùng biên giới, đến mức có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự. Một thỏa thuận xuống thang đã được ký kết giữa hai bên, theo đó, Hàn Quốc chấp nhận ngưng hoạt động này, sau khi Bắc Triều Tiên tỏ ý tiếc về vụ nổ mìn khiến hai quân nhân Hàn Quốc bị thương. Theo thỏa thuận này, các loa phát thanh qua biên giới sẽ im tiếng « trừ khi có một tình huống bất thường xảy ra ».

Liên Hiệp Quốc chuẩn bị tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên



Thanh Hà
mediaĐại diện Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc, ông Motohide Yoshikawa ngày 06/01/2016.REUTERS/Brendan McDermid

Vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn tại New York thể theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 15 thành viên trong định chế này, trong đó có Trung Quốc, lên án Bình Nhưỡng « vi phạm trắng trợn »các nghị quyết của cộng đồng quốc tế. Liên Hiệp Quốc chuẩn bị tăng cường « các biện pháp trừng phạt đáng kể » nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Thông tín viên đài RFI, Marie Bourreau từ New York tường thuật :
« Chưa đầy hai giờ sau khi khai mạc phiên họp, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ lên án Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử. Nhưng tất cả mọi người đều đặc biệt chú ý đến phản ứng của Trung Quốc, đồng minh truyền thống của chế độ Bình Nhưỡng. Hội Đồng Bảo An khẳng định nhất trí xem xét khả năng nhanh chóng thông qua một dự thảo nghị quyết mới, tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Theo lời đại điện của Anh tại Liên Hiệp Quốc một trong những biện pháp đang được các bên hướng tới có thể là đưa thêm vào danh sách trừng phạt tên tuổi của một số các nhân vật và tổ chức của Bắc Triều Tiên có liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cũng trong cuộc họp ngày 06/01/2016, một lần nữa Tokyo nhắc lại yêu cầu được trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tên lửa Bắc Triều Tiên đủ sức nhắm tới lãnh thổ Nhật Bản. Đại sứ Nhật tại Liên Hiệp Quốc ông Motohide Yoshikawa nhắc lại : lần cuối cùng Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng là vào năm 2013. Khi đó quốc tế đã quyết tâm nâng mức trừng phạt Bắc Triều Tiên trong trường hợp Bình Nhưỡng lại thử nghiệm tên lửa hay vũ khí hạt nhân. Nếu như lần này quốc tế do dự, thì quyền lực và cả uy tín của định chế này đều bị đe dọa.
Phải nói là việc Hội Đồng Bảo An nhanh chóng phản ứng sau vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch vào sáng ngày Thứ Tư 06/01/2016 trái ngược hẳn với thái độ chần chừ trước đây. Điều đó cũng có nghĩa là dường như Trung Quốc đã bắt đầu mệt mỏi trước thái độ của nước láng giềng "gây khó xử " như Bắc Triều Tiên. Nhưng liệu rằng Bắc Kinh có biểu quyết để trừng phạt Bình Nhưỡng hay không ? Đó là lằn ranh đỏ mà từ trước tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ vượt qua ».

Thế kẹt của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên



Thanh Hà
Trung Quốc có thể làm gì để thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân ? Vì sao ít có khả năng Bắc Kinh mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng ? Đó là câu hỏi được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Kim Jong Un thông báo thử nghiệm thành công quả bom nhiệt hạch đầu tiên trong lịch sử Bắc Triều Tiên.
Triển vọng Trung Quốc-Bắc Triều Tiên sưởi ẩm quan hệ thêm xa vời sau vụ Bình Nhưỡng lại thử bom nguyên tử. Dù là điểm tựa duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên, nhưngTrung Quốc cũng không được Bình Nhưỡng thông báo về ý định thử nghiệm bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016.
Phải chăng lãnh đạo trẻ tuổi họ Kim muốn chứng minh với Bắc Kinh rằng, dù vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng Bình Nhưỡng không còn chịu ảnh hưởng của nước láng giềng to lớn này như trong quá khứ, và mối liên hệ lịch sử từng được coi là « môi hở răng lạnh » gắn liền hai chế độ cộng sản tại Đông Bắc Á này đã thuộc về dĩ vãng ? Trái với ông và cha là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, từ khi lên cầm quyền vào cuối tháng 12/2011, Kim Jong Un chưa từng công du Trung Quốc.
Một tia hy vọng hàn gắn quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đã lóe lên hồi tháng 12/2015 khi có tin đồn Kim Jong Un viếng thăm Bắc Kinh trong một tương lai không xa. Tiếp theo đó Bình Nhưỡng đã gửi ban nhạc rock nổi tiếng Moranbong sang Bắc Kinh để trình diễn, nhưng rồi vài giờ trước khi lên sân khấu, thì tốp ca nữ này lại phải đột ngột đáp máy bay trở về Bình Nhưỡng mà không có một lời giải thích.
Về phần mình Trung Quốc một mặt kêu gọi Bắc Triều Tiên nhanh chóng trở lại đàm phán với cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ đối thoại 6 bên, chấm dứt các chương trình hạt nhân, mặt khác Bắc Kinh mạnh mẽ lên án việc Bình Nhưỡng thử tên lửa, khiêu khích cộng đồng quốc tế.
Tại Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc cũng đồng tình với cộng đồng quốc tế xem xét việc gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, có nhiều lý do cho thấy, Trung Quốc sẽ không quá mạnh tay với chế độ của Kim Jong Un.
Thứ nhất, theo phân tích của giáo sư Vương Đống (Wang Dong), thuộc trường Đại học Bắc Kinh, vụ thử nghiệm bom vừa qua chứng tỏ Bắc Triều Tiên đã bị dồn vào chân tường và « không còn gì để mất », kể cả với cộng đồng quốc tế trong đó có Bắc Kinh. Cho dù năm 2015 Trung Quốc viện trợ cho Bắc Triều Tiên 23 triệu tấn ngũ cốc và hơn 176 ngàn tấn xăng dầu, nhưng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng cũng đang bị thu hẹp lại.
Lý do thứ hai khiến Trung Quốc sẽ không mạnh tay với Bắc Triều Tiên xuất phát từ chỗ Bắc Kinh không muốn trông thấy chế độ của gia đình họ Kim bị sụp đổ. Đành rằng Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi « cứng đầu », Bình Nhưỡng là một tay đàn em khó bảo, nhưng Trung Quốc bằng mọi giá không muốn để một quốc gia ở ngay sát cạnh lâm vào cảnh hỗn loạn.
Theo lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế của tổ chức Crisis Group được AFP trích dẫn, trong nhãn quan của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân không nguy hiểm bằng viễn cảnh quốc gia này rơi vào khủng hoảng chính trị. Chính vì vậy mà, dù các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn với Bình Nhưỡng nhưng báo chí Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên khởi động lại quá trình đàm phán, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Vì những lý do an ninh và chiến lược, Bắc Kinh không thể chấp nhận kịch bản hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất ngay sát với đường biên giới của mình. Trong điều kiện đó, Trung Quốc chỉ có một giải pháp duy nhất : tiếp tục bảo đảm sự sống còn của chế độ nhà họ Kim.
Yếu tố kinh tế sẽ là lý do thứ ba, cho thấy Trung Quốc sẽ không bỏ rơi chế độ Bắc Triều Tiên. Về mặt chính thức Bắc Kinh ủng hộ giải pháp quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nhưng do những mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, từ tài chính đến thương mại, nếu thực sự các biện pháp trừng phạt đó có hiệu lực thì các doanh nghiệp và ngân hàng của Trung Quốc bị thiệt hại trước hơn ai hết.
Sau cùng, hiện tại quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng đang trong thế rất « nhạy cảm » để Trung Quốc dễ dàng cùng với Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng ý thức được tất cả những cân nhắc của Trung Quốc, cho nên Bắc Triều Tiên lại càng dùng lá bài hạt nhân để bắt bí cộng đồng quốc tế. Theo phân tích của chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Joe Cirincione, thuộc quỹ Ploughshares của Mỹ, đã đến lúc quốc tế, đứng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ, cần xét lại chính sách đối với Bắc Triều Tiên.
Trừng phạt Bình Nhưỡng không ngăn cản được chế độ Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử. Vậy thì phải chăng chỉ còn con đường đối thoại ? Cho dù không có gì bảo đảm giải pháp đó sẽ mang lại kết quả. Bởi vì, khoanh tay ngồi nhìn Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm.
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét