Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2015

Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng” tức câu chuyện về tàu Việt Nam Thương Tín sau ngày tháng tư năm 1975.


Huu Lam

Bài vẩn còn thiếu những chi tiết chỉ được nghe loáng thoáng từ 1 số bạn tù ở Z30A Long Khánh sau khi họ được chuyển từ miền Trung về đây vì đã trở về bằng chiếc tàu nầy: không khí kình chống nhau giữa phía nhất định đòi về và phe cương quyết ở lại Guam, những cuộc xô xát lẻ tẽ, hành vi hung hãn của 1 số người, những kẻ hô hào đòi về nhưng cuối cùng lại ở lại khi ban Quản lý trại thiết lập 2 ngả đi riêng rẽ để các bên bày tỏ quyết định của mình mà không sợ phải đối phó với phản ứng sắc máu, chân tướng của 1 số người trong đó có DB "lùn nhất nước" Nhữ Văn Úy...
G2


---------- Forwarded message ----------
From: Hiền Rùa <thuynganguyen328@gmail.com>
Date: 2015-12-07 15:52 GMT-06:00
Subject: Fwd: Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng”
To: hien vu <thaygiaohien123@gmail.com>



Anh chị em, con cháu trong đại gia đình nên đọc lại, để không quên bài học cay đắng này !
VTH





altBài đọc suy gẫm:

“Lỗi Tại Tôi Mọi Đàng” tức câu chuyện về tàu Việt Nam Thương Tín sau ngày tháng tư năm 1975.  Chuyện kể về kinh nghiệm đầy cay đắng của người dân miền nam với việt cộng. Hình ảnh chỉ là minh họa.
alt
Admin: Chúng tôi đang dịch “‘Give Us A Ship’: The Vietnamese Repatriate Movement on Guam, 1975“, tài liệu biên khảo 31 trang của JANA K. Lipman (Phó Giáo sư – Tiến sĩ, Đại Học Yale, 2006) công bố trên American Quarterly Volume 64, Issue 1 (ra tháng 3 năm 2012). [American Quarterly là tạp chí chính thức của Hiệp hội Nghiên cứu Hoa Kỳ (American Studies Association)]
Bản Việt dịch “‘Hãy để chúng tôi về’: Chuyện những người Việt hồi hương từ đảo Guam, năm 1975” đang làm và sẽ sớm có mặt trên ngăn kệ bài vở của chủ đề này, xin quý bạn đón đọc. Thư Viện Phạm Văn Thành:

alt

Miền Nam Việt Nam thất thủ lúc gần trưa ngày 30 tháng Tư 1975 đã kéo theo nhiều di lụy bi tang thương trong đó nổi bật nhất là chuyện tàu Việt Nam Thương Tín đã vượt thoát được cộng sản vào cái ngày đen đủi đó từ Saigon và đã cập bờ đảo Guam (căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương) mang theo hơn 600 người miền Nam tị nạn cộng sản vào tháng 5/1975.
Thế nhưng 6 tháng sau tức tháng 10 cùng năm 1975, tàu Việt Nam Thương Tín lại quay trở về với Việt cộng, lần này mang theo hơn 1.600 người, để rồi khi cập bờ biển Nha Trang, con tàu đã được công an, du kích cộng sản “chờ đón” và toàn thể hơn 1.600 người hồi hương đã bị Việt cộng lột quần áo, tịch thu tư trang và tống giam vào trại tù A20 Xuân Phước, Phú Yên theo danh xưng “tù chính trị” (trại tù A20 Xuân Phước còn có hỗn danh: Thung Lũng Tử Thần, bởi đây là nơi tử địa đã đoạt mạng không biết bao nhiêu tù nhân xấu số dưới chế độ bạo tàn phi nhân cộng sản Việt Nam)
Từ đó tới nay đã 4 chục năm chẵn, quái lạ thay, tuy khá nhiều người trong số ngàn người lâm nạn nói trên vẫn còn sống sót và đang sinh sống tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nước Tự Do ở phương Tây…lại chẳng có mấy ai công tâm viết lại Sự Thực tàn nhẫn này cho sử sách được ghi.
Có một vài dòng kể chuyện nhưng hầu hết là những tự sự manh mún riêng tư kể lể than thở trong phạm vi cái tôi nhỏ nhoi riêng tư của những cá nhân…
Vì thế chúng tôi, Thư Viện Phạm Văn Thành sau khi lọc lựa và hiệu chỉnh, xin trình bạn đọc diễn biến tóm gọn sự kiện qua vài ghi nhận tạm gọi là “sử liệu” đáng tin cậy về câu chuyện không thể tin được về con tàu Việt Nam Thương Tín từ 3 phía:
– Phía người quốc gia bị nạn: M Ngọc Phan và nhạc sĩ Trường Sa
– Phía người ở bên kia vỹ tuyến (thời điểm tháng Tư đen 1975): nhà báo Huy Đức.
– Phía truyền thông: Đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA)
1- M Ngọc Phan (không rõ là tên hay bút danh, không xác định năm tháng viết những dòng kể dưới đây…)
10:30 sáng ngày 30/04/1975, với danh nghĩa Tổng Thống, cựu Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Trước đó không đầy 24 giờ, Dương Văn Minh đã ký cho Nguyễn Hữu Chung một Sự Vụ Lệnh đưa chiếc tàu Việt Nam Thương Tín đi, và một Sự Vụ Lệnh cho Nguyễn Hữu Chung đến Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam đưa một số vàng tồn trữ ở Ngân Hàng này xuống tàu Việt Nam Thương Tín để khỏi lọt vào tay Cộng Sản.
Nguyễn Hữu Chung đến Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam định lấy vàng đem đi, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo và Thống Đốc Lê Quang Uyển nhất định không chịu trao, vì muốn giữ lại trao cho VC để lấy điểm. Bàn cãi nhau trong vòng 1 tiếng đồng hồ, Nguyễn Hữu Chung không thuyết phục được Nguyễn Văn Hảo và Lê Quang Uyển, nên Nguyễn Hữu Chung phải lật đật xuống tàu Việt Nam Thương Tín để ra đi.
Tàu Việt Nam Thương Tín ra đến sông Lòng Tảo bị Cộng quân nã B-40 vào hông tàu, làm thủng một mảng lớn. Nhà Văn Chu Tử, Chủ Nhiệm Nhật báo Sống ở Sài Gòn đã bị đạn B-40 của Cộng quân giết chết trên tàu Việt Nam Thương Tín.
alt

Khi cập bến đảo Guam, phần do nội tuyến VC tuyên truyền, phần vì ly biệt người thân, 1652 người đã chấp nhận lên tàu Việt Nam Thương Tín quay trở lại Việt Nam, vào tháng 10/1975, dưới sự điều khiển của Trung Tá Hải Quân Trần Đình Trụ.
Kể từ khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, nhiều người đã hậm hực tiếc rẻ không chạy thoát trước ngày 30/04, ra nước ngoài. Vì thế, mọi người đã sững sờ khi nghe tin hơn 1600 người « đòi về » với chế độ cộng sản chứ không thèm ở trên xứ tự do! Người Mỹ trên đảo lúc đó đã tìm đủ mọi cách để dỗ dành, chìu chuộng để họ ở lại nhưng không được. Họ nhất quyết tin tưởng nếu « thành tâm » về với cộng sản như vậy, họ sẽ được cộng sản đãi ngộ tử tế và coi như anh hùng!
Lúc đó, người nào cũng hy vọng là sự trở về của họ sẽ được cộng sản thích thú chấp nhận và đãi ngộ tử tế.
Người Mỹ thì biết những người trở về sẽ vô cùng cực khổ vì thiếu thốn nên đã trang bị cho họ đủ thứ mùng mền, chăn gối, lương thực ê hề. Có người đã ví người Mỹ cho nhiều vật dụng như cho con gái về nhà chồng!
Nào ngờ đâu khi tàu Việt Nam Thương Tín cập bến Nha Trang, Việt Cộng đã cho lột sạch sẽ quần áo và của cải trước khi đưa tất cả vào trại giam ngoại trừ một bé trai 7 tuổi. Mỗi người phải trút bỏ hết quần áo và được cấp phát 2 bộ quần áo cũ hay quần áo tù. Cộng sản làm như vậy để tiện lục soát trong quần áo và tịch thu toàn bộ của cải, kể cả những bộ quần áo của người tỵ nạn.
Kết quả là mỗi người được cộng sản đón bằng cái còng số 8, bất kể đàn bà trẻ con! Tất cả phải lột sạch quần áo để công an khám người, khám tóc tìm cái gì có thể giấu được. Quần áo bị tịch thu để công an có thời giờ lục soát kỹ càng và lấy luôn. Trong số những người về có tới 400 sĩ quan cảnh sát, và mấy trăm sĩ quan quân đội.
Đàn bà và trẻ con bị giam tối thiểu 9 tháng, những người khác từ 5 năm trở lên, tuỳ theo thành phần, lý lịch. Một số lớn bị tình nghi do CIA “cài” về để làm gián điệp, tình báo thì còn bị giam lâu hơn! Riêng cựu Trung Tá Trụ đã bị tù 13 năm. Cuối cùng ông được trả tự do và ông cùng với gia đình đã được định cư tại Hoa Kỳ qua diện HO năm 1990.
Thân nhân gia đình của những sĩ quan trở về đã thất vọng và nguyền rủa chồng họ không tiếc lời. Báo hại những người vợ nghèo nàn này còn phải lo tiền bạc đồ ăn đi thăm nuôi. Nhiều bà đã quá giận bỏ chồng khiến cho gia đình tan nát. Các “nạn nhân” chỉ còn cúi đầu sống trong sự tiếc hận, tủi hổ với lương tâm và với mọi người, và tiếc nuối một dịp may đã mất đi vĩnh viễn.
Trong số những người trở về VN trên tàu Việt Nam Thương Tín cũng có nhiều hoàn cảnh thương tâm. Thí dụ như nhạc sĩ Trường Sa (*). Trả lời phỏng vấn của Thy Nga RFA 2008-12-07, ông cho biết:
“Khi đó, tôi là Chỉ huy trưởng cái đoàn hộ tống công-voa các thương thuyền của các nước đi tiếp tế cho chính quyền Lon Nol tại Campuchia. Ngày 29 thì tôi ở Vàm An Long trên sông Cửu Long. Khi mà tôi liên lạc với các cấp chỉ huy của tôi thì người ta đi hết rồi, thành ra đêm hôm đó, tôi dùng một chiếc tàu nhỏ trở về Sài Gòn nhưng không vô được bên trong nữa. Và từ đó, tôi gặp chiến hạm từ Sài Gòn đi ra, tôi lên chiến hạm, đi tới đảo Guam luôn. Khi lên tàu, tôi tìm khắp trên các chiến hạm đang di tản, không có gia đình tôi. Không liên lạc được với gia đình, vợ con tôi ở Sài Gòn. Tôi không bỏ rơi gia đình trong cảnh khó khăn như thế. Khi đến đảo Guam thì tôi xin Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho tôi trở về Việt Nam. Hoàn cảnh nào, tôi cũng chấp nhận hết. Vì vậy, tôi theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam. Khi tàu tới Nha Trang, VC bắt tôi lên Ty Cảnh Sát cũ tại Nha Trang ở đó 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau thì chuyển ra Bắc, trại Nghệ Tĩnh đến năm 1984, mất cả thảy 9 năm! Chỉ vì đã ra đi, rồi lại trở về.
Năm 1986 thì tôi vượt biên, bị bắt. Từ cửa biển vào Mỹ Tho, dọc đường tôi bị đánh dữ lắm. Họ giam tôi 45 ngày trong xà-lim tối, sau đó, họ cho ra lao động. 2 năm sau thì thả tôi về.Đến tháng 04/1989, tôi tiếp tục đi nữa. Lần này thành công, tôi cùng 3 con đến Pulau Bidong, phải chờ 28 tháng, mới được Canada nhận vào.
alt
Nhạc sĩ Trường Sa và Quỳnh Lan (ca sĩ)
Giống như nhạc sĩ Trường Sa, ông M Ngọc Phan cũng vì vợ con còn kẹt lại ở Việt Nam, nên đã từ đảo Guam trở lại VN trên tàu Việt Nam Thương Tín để rồi trải qua 6 năm tù đầy trong trại tù cải tạo của CS và 12 năm sau, ông và gia đình mới vượt biên thành công, đến được Hoa Kỳ như ông kể trong đoạn hồi ký sau đây:
Vào đầu tháng 04/1975, căn cứ Hải Quân Phú Quốc cấm trại 100 % vì tình hình đất nước càng lúc càng mịt mờ, tôi đưa vợ con lên tàu vào đất liền để rảnh tay lo nhiệm vụ của một Sĩ Quan luôn luôn chấp hành lệnh cấp trên.
Bé Dương mới hơn 2 tuổi và vợ lại gần sanh, nên tôi nghĩ không gì tốt và an toàn hơn là gửi cả về bên Ngoại ở Rạch Giá, để có người giúp đỡ lúc sanh nở.
Ngày 29/04 thì tình hình đã rối beng lên, tất cả tàu trong căn cứ được lệnh nhổ neo, tôi đi theo chiếc Tuần Duyên Hạm HQ 600.  Mặc dầu đã cố gắng liên lạc về Rạch Giá với gia đình, nhưng làm sao mà kịp được nữa !
Lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn Minh như nhát chém cuối cùng cắt đứt hy vọng của mọi người.Ngồi trên boong tàu nhìn về quê hương mà nước mắt tôi chan hoà. Thôi thế là hết ! Thế là tán gia vong quốc.
Trước đấy hơn một tháng, đã có biết bao công chức, lính tráng di tản về hòn đảo cuối vùng đất nước này, nên HQ cố gắng hết sức để đưa họ ra khơi, mà lúc này cũng chưa ai biết sẽ đi về đâu.
Tàu tôi đã chuyển rất nhiều chuyến ra Tuần Dương Hạm. Tôi chứng kiến bao cảnh thương tâm vợ chồng con cái la khóc vì lạc nhau, thảm cảnh tai nạn khi chuyển lên tàu lớn, có người rớt xuống biển mà không thể nào vớt được. Trong hoàn cảnh hỗn quan hỗn quân ấy, tôi đã hết lòng giúp đỡ mọi người, những ghe nhỏ từ đảo Phú Quốc hay từ Rạch Giá chạy ra chở đầy người, nhưng vợ con mình thì lại không thấy đâu !
Hạm Trưởng ra lệnh chạy về hướng Singapore, ba ngày sau tàu cặp bến thì tôi chuyển qua chiếc HQ 229 để đi Subic Bay- Philippines. Nơi đây tôi đã đứng nghiêm, đau lòng tham dự lễ hạ quốc kỳ VNCH trên con tàu, tháo cặp lon trên vai áo bạc màu, làm thủ tục ở đây 20 ngày rồi lên máy bay qua đảo Guam.
Suốt những này ở trại Asan, tôi thẫn thờ như kẻ không hồn, lạc lõng giữa những người đồng số phận lưu vong. Chỉ có một số người may mắn đầy đủ gia đình, họ mau mắn tiến hành thủ tục định cư càng sớm càng tốt.
Nhìn cảnh gia đình họ mà tôi thèm thuồng và tủi cho thân phận mình. Tuynhiên tôi vẫn lo làm giấy tờ để đi định cư mà lòng thì ngao ngán. Rồi đây trên xứ người, trơ trọi một thân một mình, không cha mẹ anh em, vợ con thì mình sẽ sống ra sao.  Càng nghĩ càng buồn.  Đêm đêm tôi ra ngồi sát bãi biển, mắt đăm đắm nhìn về hướng quê nhà, nơi có người cha già yếu, vợ dại con thơ đang lo lắng không biết tôi sống chết ra sao. Tôi nhớ đến miền quê nghèo mà mình đã sống từ nhỏ, có bà con lối xóm đầy ấp tình người, luôn luôn thuận hoà và bảo bọc nhau trong mọi hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhất là bây giờ không biết vợ tôi sanh nở có mẹ tròn con vuông hay không. Mình đi rồi thì mẹ con nó lấy gì sanh sống và tồn tại đây.
Tôi nhớ tới cuộc di cư mà cha mẹ mình đã trải qua 20 năm về trước mà lòng não nề. Trong một nước mà còn không thể gặp nhau, huống hồ bây giờ tôi ra nước ngoài thì biết bao giờ gặp lại.
alt
alt
Thương thuyền Việt Nam Thương Tín
Đến cuối tháng Sáu, trong trại có tin đồn là nếu ai muốn về VN thì chính phủ Mỹ sẽ cho về. Tôi nghe một cách lơ là vì cho rằng khó có chuyện đó xẩy ra, nhưng càng lúc tin đồn càng lớn mạnh, một người quen nói với tôi là rất nhiều người đã ghi danh để trở về.
Cùng lúc ấy, có một nhóm khá đông hàng ngày tụ tập trước Văn phòng Đại diện, biểu tình yêu sách “được mau trở về VN vì nước nhà đã được độc lập, đã hết chiến tranh rồi.  Hoà bình đến thì nước nhà cần bàn tay của mọi công dân”.  Cho đến lúc này, việc định cư của tôi vẫn còn mù mờ, không có tin tức gì cả. Tinh thần tôi dao động, khủng hoảng, đắn đo không biết tính sao.
alt
Nếu đi định cư thì chắc chắn là phần vật chất thì no ấm rồi đó, nhưng về tinh thần thì có gì bù đắp được, khi không có gia đình và một người thân nào ở bên cạnh.  Nhưng trở về thì sẽ ra sao ? Họ có bắt bớ tra tấn tù đày gì không ? Tôi trằn trọc thao thức nhiều đêm để quyết định cho hướng đi của cuộc đời mình.
Người xưa đã nói : Thà chết một đống, còn hơn sống một người. Cả gia đình tôi còn ở miền quê hương ấy, tôi lại là con trai cả, có nhiệm vụ với nguyên một đại gia đình và với vợ con.  Nhất định mình phải trở về, không lẽ bây giờ họ thắng rồi, mà lại “Đánh kẻ chạy lại”.  Cùng lắm là sau vài tuần điều tra, thấy chẳng có gì là họ cho về với gia đình chứ cơm đâu mà nuôi mãi.
Đọc lịch sử thế giới ai cũng thấy rằng người thắng trận bao giờ cũng mã thượng, như cuộc chiến Nam Bắc ở Hoa Kỳ 1861-1865, Bắc Quân thắng trận nhưng lính Nam Quân vẫn an lành trở về nhà, cả hai miền đều chung sức làm nên nước Mỹ ngày càng cường thịnh. Rồi như nước Nhật, nước Đức kia, thua trận thê thảm năm 1945 mà được cựu thù giúp đỡ, nên chỉ chừng một thập niên sau là trở thành những cường quốc ngay. Việt Nam chắc hẳn cũng thấy ra điều đó.  Nhất định là mình phải trở về.  Nghĩ vậy nên khi tôi bước lên tàu VNTT mà lòng khấp khởi.
Sau hai tuần hải hành, tàu Việt Nam Thương Tín đã vào hải phận Vũng Tàu. Hôm đó là ngày 29/09/1975 có trên dưới 1450 hành khách, với rất nhiều lương thực và hành lý do chính Phủ Hoa kỳ trao tặng gồm chăn màn, quần áo và thuốc men như những món quà của người đi xa mang về cho gia đình …
Không biết tại sao mà liên lạc từ trước rồi, mà mãi ngày hôm sau mới thấy hai chiếc tàu Hải Quân bây giờ trương cờ đỏ sao vàng ra đậu cách đó khoảng 200 m, rồi họ bắc ống dòm nhìn sang chăm chú. Mấy tiếng đồng hồ sau mới ra hiệu hướng dẫn chiếc VNTT chạy ngược ra phía miền Trung.
Bây giờ thì nỗi lo lắng đã hiện lên nét mặt nhiều người, nhưng ai cũng nán lòng chờ đợi vì chưa biết rồi ra sẽ như thế nào.
Ngày hôm sau thì tàu cập bến Nha Trang. Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân nơi tôi theo học còn đây, mà sao phố phường im vắng như thành phố chết ? Tất cả mọi người lớn bé đều bị dồn lên xe bít bùng mà chở về Trung Tâm Thẩm Vấn của Quân đoàn II cũ. Lúc này thì ai cũng lờ mờ nhận thấy rằng khốn nạn đến nơi rồi !
Mọi người phải trút bỏ hết quần áo, bị khám xét rất nhiều lần từ đầu đến chân, được phát cho hai bộ đồ lính rộng thùng thình, một chiếc chiếu rộng 8 tấc rồi dẫn đi nhốt vào những căn barrack.
Nhớ mới đây, thực phẩm ở trại Mỹ ê hề thịt trứng, nho cam mà bây giờ chỉ có cá mối ươn kho mặn là chính, thỉnh thoảng mới được ca canh nấu bằng rau muống hoặc rau cải già. Mỗi ngày một nhóm phải đi khai báo lý lịch trên Phòng Chấp Pháp: trước đây làm chức vụ gì trong Nguỵ Quyền, hoạt động ra sao, trong bao nhiêu năm … Mỗi người được phát một số tờ sơ yếu lý lịch và ít tờ giấy trắng để viết lời khai. Cán bộ thì ông nào ông nấy mặt lạnh như tiền, cặp mắt thò lỏ ra như mắt chuột và hàm răng thuốc lào thì cứ vẩu tướng mãi lên, họ luôn luôn nói lải nhải câu : “Nếu các anh thành thật khai báo, thì đảng và nhà nước sẽ khoan hồng cho về”.
Bây giờ thì cái câu ông Thiệu nói, nó hiển hiện lên trí óc mọi người : “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm.” Về sau này ai cũng hiểu rằng đám cán bộ này thuộc Cục Tình Báo Nước Ngoài thuộc Bộ Công An.
Suốt 2 tháng trời, tinh thần mọi người trở về đều bị khủng bố, ép cung, còn về vật chất thì quá thiếu thốn, cực khổ. Những giòng nước mắt hối hận đêm đêm ứa ra mà không ai dám than với ai, chỉ thầm đấm ngực ăn năn “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”.
Họ chụp mũ mọi người là CIA, Mỹ gài lại VN phá hoại, chống phá nhà nước.  Không biết bao nhiêu lần tôi phải giải thích tại sao tôi lại trở về.
Tôi kể về nỗi nhớ nước thương nhà, lưu luyến vợ con và gia đình, nhưng những con người không có trái tim đó họ không chịu hiểu.  Điều phiền muộn nhất cho mọi người là về đến nước nhà rồi mà không ai được liên lạc với gia đình.  Chúng tôi cũng biết chắc rằng người thân cũng lo lắng rất nhiều vì mình biệt vô âm tín.
Vài tháng sau thì đàn bà con nít đã được thả ra, nhưng hơn 500 Sĩ Quan, Cảnh Sát hoặc những người làm bên ngành An Ninh bị tách riêng ra. Đến đầu năm 1976 thì tôi bị chuyển đến trại A-30 Xuân Phước ở gần Tuy Hoà để “Cải tạo lao động” với câu quen thuộc cũ: “Nếu các anh cải tạo tốt, lao động tốt, học tập tốt thì đảng và nhà nước sẽ khoan hồng cho các anh về”. Chẳng còn ai tin những lời hứa hẹn này và câu sau của ông Thiệu lại vang vọng: “hãy nhìn kỹ những gì VC chúng làm”.
Tôi nghe nói những người từ cấp Đại Uý trở lên đã bị chở ra ngoài Bắc, riêng những người thuộc Ban Đại Diện tàu này thì đã bị đưa về khám Chí Hoà từ những ngày đầu.  Chắc chắn là họ thê thảm rồi chứ không được tưởng thưởng vì đã đem về cho VC một con tàu đâu.
Thời gian tù đày càng ngày càng vô vọng vì tù mà không có án, thân thể hao mòn vì thiếu thốn.  Sự đói khát, kiểm thảo, phê bình, lao khổ trong tù thì đã có quá nhiều người nói đến, kể ra chỉ rườm lời. Tôi xuống tinh thần rồi đổ bệnh tưởng không qua khỏi.
Sự hối hận này so với những người khác cũng chưa thấm vào đâu, nhất là những người vì ngây thơ, đã chia tay với gia đình khi ở bên trại mà trở về một mình. Càng những ông khi biểu tình đòi về to mồm thế nào, thì sự hối hận càng tăng thêm độ nặng chừng đó. Họ không dám nhìn ánh mắt những bạn đồng tù. . .
alt
2- Trích trang 19 sách “Bên Thắng Cuộc” (TẬP 1: GIẢI PHÓNG – PHẦN I: MIỀN NAM) của Huy Đức (xuất bản và ra mắt ở ngoại quốc 2012, sách điện tử do Amazon phát hành dưới hình thức Kindle theo Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2012-12-13)
Việc đưa vào tù hàng trăm nghìn con người đã buông súng hoặc không hề cầm súng, không bằng một bản án của tòa, sau ngày 30-4-1975, và đặc biệt, câu chuyện đưa 1.652 con người trên tàu Việt Nam Thương Tín vào tù được kể lại sau đây, thật khó để nói là may mắn.
Trưa 29-4-1975, Dân biểu Nguyễn Hữu Chung có được một “sự vụ lệnh” do Tổng thống Dương Văn Minh ký cho phép tàu Việt Nam Thương Tín thực hiện chuyến di tản cuối cùng. Sáng 30-4-1975, khi con tàu này ra tới cửa sông, đã bị B40 bắn theo, giết chết nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm Nhật báo Sống. Con tàu Việt Nam Thương Tín và hàng nghìn người nằm đợi ở đảo Guam gần năm tháng. Sự chờ đợi trước một tương lai vô định trong khi vợ con, cha mẹ vẫn đang kẹt lại quê nhà đã khiến cho nhiều người muốn quay lại Việt Nam, nơi mà họ tin là đã bắt đầu thống nhất và chắc chắn có hòa bình.
Một trong số ấy là Đại úy tình báo Võ Tính. Ông Võ Tính được người Mỹ tạo điều kiện đưa toàn bộ gia đình di tản. Tuy nhiên, cha ông nói: “Tao chờ đến ngày đất nước thống nhất, tại sao tao phải đi khi ngày đó gần kề”. Còn cha vợ ông thì khi đó đang mong hai người con trai tập kết từ năm 1954 trở lại. Ông Võ Tính đã định ở lại Việt Nam, nhưng vào những ngày cuối tháng 4-1975, người Mỹ khuyến cáo là sẽ vô cùng nguy hiểm. Ông Tính được đưa ra Phú Quốc và khi Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông được đưa ra Hạm đội 7 để rồi sau đó tới Guam. Cũng như nhiều người lính khác, Đại úy Võ Tính không chắc có bị “Việt Cộng” trả thù trong khi, từ trong thẳm sâu, ông nhận thấy chỉ có Việt Nam mới là tổ quốc. Không tìm được lý do hợp lý để bỏ nước, bỏ cha mẹ già, người vợ trẻ và 3 đứa con thơ, Đại úy Võ Tính đã tham gia vận động để người Mỹ cho phép những người Việt quay lại Việt Nam bằng con tàu Việt Nam Thương Tín.
Ngày 29-9-1975, sau khi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nhận được sự đồng ý của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, tàu Việt Nam Thương Tín rời Guam trong một buổi lễ tiễn đưa trang trọng: có những phụ nữ mặc áo dài, chào cờ và được truyền hình Mỹ tường thuật. Trung tá Hải quân Trần Đình Trụ được ủy nhiệm chỉ huy chuyến trở về của con tàu này.
Sau hai tuần hải hành, tàu Việt Nam Thương Tín về đến hải phận Vũng Tàu. Mãi tới hôm sau, hai tàu Hải Quân treo cờ đỏ sao vàng mới chạy ra và dừng lại cách tàu Việt Nam Thương Tín gần 200m. Những người lính Hải quân dùng ống nhòm quan sát rất kỹ và sau mấy giờ, họ hướng dẫn tàu Việt Nam Thương Tín chạy ngược ra phía miền Trung. Những người trở về bắt đầu linh cảm điều gì đó bất thường nhưng họ vẫn còn hy vọng và vẫn còn chờ đợi.
Tới Nha Trang, tàu bị dẫn vào Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân. Tất cả mọi người đều bị dồn lên những chiếc xe bít bùng và khi được chở tới Trung Tâm Thẩm Vấn của Quân đoàn II thì mọi người được lệnh “phải trút bỏ hết quần áo, bị khám xét rất nhiều lần từ đầu đến chân, được phát cho hai bộ đồ lính rộng thùng thình, một chiếc chiếu rộng 8 tấc rồi dẫn đi nhốt vào phòng giam”. Trừ một đứa bé khi ấy 7 tuổi, tất cả đều phải đi tù, người ít nhất 9 tháng, người lâu nhất – Trung tá Trần Đình Trụ – phải ở tù tới 13 năm.. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
3- Số phận những người trên tàu Thương Tín sau 40 năm – Hòa Ái, phóng viên RFA 2015-03-16
Chiếc tàu mang tên Việt Nam Thương Tín chở hơn 600 người di tản vào ngày 30/4/1975 và đã quay lại VN với số lượng người hơn gấp đôi so với lúc ra đi 6 tháng sau đó. Số phận của những người trở về này ra sao sau 40 năm?
Trong số các chiếc tàu rời cảng Sài Gòn chở người di tản trong những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh VN thì tàu Việt Nam Thương Tín luôn được nhắc đến trong suốt 40 năm qua bởi vì đây là chiếc tàu độc nhất quay trở về.
Thương thuyền Việt Nam Thương Tín có trọng tải hơn 6 ngàn tấn với hơn 600 người bắt đầu cuộc hành trình vào ngày 30/4/1975. Khi tàu chạy được 7 hải lý trên sông Lòng Tảo đến khu vực rừng Sát thì bị trúng 3 viên đạn pháo B40 gây thiệt mạng cho Nhà văn Chu Tử và 1 cháu bé. Mặc dù con tàu bị hư hại nhưng cuối cùng vẫn cập bến Apra, đảo Guam an toàn.
Trong thời gian con tàu Thương Tín có mặt ở đảo Guam, một số những người Việt tạm cư ở đây lên tiếng muốn trở về VN với lý do gia đình cùng người thân còn ở VN và còn vì các nguyên nhân khác. Nhiều người tuyệt thực biểu tình yêu cầu nguyện vọng của họ được chính phủ Hoa Kỳ đáp ứng. Mặc dù có rất nhiều lời khuyên can ngăn không nên trở về vì sẽ gặp nhiều rủi ro với chính phủ mới do Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền nhưng cuối cùng khoảng 1600 người, trong đó hơn 100 người đã định cư ở vùng Bắc Mỹ đến Guam để hồi hương. Chính phủ Hoa Kỳ chọn chiếc tàu Việt Nam Thương Tín và chỉ định Trung tá Hải quân Trần Đình Trụ lái chiếc tàu này trở về VN.
Trao đổi qua điện thoại với Hòa Ái, ông Trần Đình Trụ chia sẻ đến đảo Guam một mình vì khi rời VN trong chuyến công vụ trên chiến hạm hải quân nên ông quyết định trở về dù đã tiên liệu được phải trả một cái giá nào đó, có thể là tù đày vài ba năm do ông phục vụ trong Quân lực VNCH nhưng vẫn có cơ hội cho một cuộc sống về sau cùng với những người thân.
Cựu Trung tá Hải quân Trần Đình Trụ cho biết con tàu Việt Nam Thương Tín được trang bị đầy đủ xăng dầu, thực phẩm không những cho cuộc hải trình trở về VN mà còn đủ cho thời gian con tàu quay đầu trở lại đảo Guam nếu những người trên tàu thay đổi quyết định.
Không gặp trở ngại nào như lúc rời VN vào ngày 30/4, con tàu Việt Nam Thương Tín sau 2 tuần đã về đến Vũng Tàu an toàn. Thế nhưng số phận của khoảng 1600 người trên tàu, kể cả phụ nữ và trẻ em lại không được an toàn như vậy. Tất cả họ bị đưa vào trại giam. Ông Trần Đình Trụ kể lại:
“Tâm trạng con người ta khi mất tất cả, đất nước mất; gia đình, vợ con, sự nghiệp, nhà cửa, tất cả mất hết thì tôi không tha thiết gì cuộc sống bên Mỹ. Thành ra tôi quyết định về, dù chết cũng về. Về tới VN thì đương nhiên công an đưa tôi vào trại giam liền. Thực ra tôi về vì gia đình tôi còn ở VN nhưng những người Cộng sản nghi ngờ tôi từ bên Mỹ về thì Mỹ giao cho tôi công tác nào đó. Họ nghi ngờ như vậy cho nên họ điều tra về vấn đề này. Sau đó, họ điều tra rất nhiều, rất lâu, mấy tháng liên tiếp ngày nào cũng gọi tôi lên. Sau cùng họ chẳng tìm ra được nguyên nhân gì cả, chỉ vì lý do gia đình thôi. Sau đó họ đưa tôi vào những trại giam ở miền Trung và miền Bắc. Tôi ở 13 năm. Lúc tôi được về thì tương đối cũng không gặp trở ngại gì cả nhưng mọi hoạt động của tôi vẫn có người theo dõi”.
Trường hợp tiếp mà chúng tôi ghi nhận được cũng từ trên chiếc tàu Thương Tín trở về và bị nói làm việc cho CIA là của ông Trần Đẹt. Ông này người gốc Khmer, hiện ở Sóc Trăng.
Là cận vệ của Chỉ huy huy trưởng Chi Cảnh sát Quận Mỹ Xuyên, Tỉnh Ba Xuyên, Đại tá Lê Trường Xuân vào thời điểm 30/4/75, Trung sĩ Trần Đẹt được lệnh đi theo người chỉ huy của mình xuống tàu Việt Nam Thương Tín để chuyển vùng chứ không hề biết là đi di tản ra khỏi VN. Quyết định trở về VN với hy vọng gặp lại vợ và 4 người con nhưng ông Trần Đẹt bị bắt giam ngay sau khi con tàu cập cảng ở Nha Trang vào ngày 15/10/75. Ông Trần Đẹt phải chịu gần 5 năm tù ở trại A20 Phú Khánh vì “Họ nói mấy anh chạy đi nước nào thì còn khoan hồng chứ đi Mỹ trở về thì toàn là CIA cài lại”.
Rồi số phận của nhiều người trong số 1600 người trên con tàu Việt Nam Thương Tín cũng lần lượt được trở về đoàn tụ cùng gia đình, ông Trần Đẹt thì khoảng gần 5 năm, ông Trần Đình Trụ mất 13 năm trường. Và một lần nữa, nhiều người trong số họ lại rời VN ra đi đến Hoa Kỳ định cư trong những năm đầu thập niên 90. Ông Trần Đình Trụ cùng gia đình đến Mỹ năm 1991.
Tuy nhiên cũng vẫn có nhiều trường hợp không may mắn như gia đình ông Trần Đình Trụ. Gia đình ông Trần Đẹt bị kẹt lại VN vì tờ khai hộ khẩu có vấn đề. Ngày-tháng-năm ông Trần Đẹt trình diện công an địa phương hồi cuối năm 1980 không được ghi trong tờ khai hộ khẩu của gia đình nên khi đi phỏng vấn thì trong tờ khai hộ khẩu chỉ có năm 1977 khi gia đình của ông được cấp hộ khẩu mới mà thôi nên đối chiếu với thời gian ghi trên giấy ra trại cải tạo không phù hợp. Ông Trần Đẹt nhớ lại:
“Bị trục trặc giấy cải tạo với tờ khai hộ khẩu. Hồi tôi nộp hồ sơ thì tờ khai hộ khẩu là C4, không có ghi ngày tháng mình nhập khẩu. Tới khi đổi tờ khai hộ khẩu mới thì tên tôi bị (công an địa phương) ghi nhập khẩu năm 1977 nên khi đi phỏng vấn không kiểm tra được. Như thế này, mời phỏng vấn là 10/10/1995. Giấy phỏng vấn ghi mùng 10 nhưng (bưu điện chuyển) về tới tay tôi là mùng 9 thì thu sếp hồ sơ không kịp. Lên phỏng vấn thì bị sai hồ sơ hộ khẩu với giấy cải tạo. Tôi khiếu nại thì họ kêu bổ túc hồ sơ. Tôi lên Sài Gòn bổ túc hồ sơ mấy lần mà không được. Phái đoàn Mỹ chất vấn giấy cải tạo với tờ khai hộ khẩu không khớp với nhau. Họ căn cứ theo tờ khai hộ khẩu còn giấy cải tạo thì bị nghi là giấy cải tạo giả.”
Gia đình ông Trần Đẹt nhờ 1 người quen cùng xóm biết tiếng Anh giúp làm đơn khiếu nại gửi đến Lãnh Sự quán ở Thái Lan. Sau đó, gia đình nhận được thông báo hồ sơ được lưu trong vòng 5 năm đến năm 2000 ở Lãnh Sự quán TP.HCM cho việc khiếu nại nhưng vì nghèo khó nên gia đình đành phải bỏ cuộc. Và công an địa phương lập biên bản thu hồi hết 6 hộ chiếu của gia đình.
Hiện ông Trần Đẹt, 68 tuổi, với vóc dáng 44 kg, làm công việc bốc vác gạo và chở gạo thuê ở chợ, kiếm được khoảng 50 đến 60 ngàn đồng, tương đương gần 3 đô la cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Kể từ ngày đặt chân lên con tàu Việt Nam Thương Tín đến nay đã gần tròn 40 năm, nay ông Trần Đình Trụ hài lòng với cuộc sống ở Hoa Kỳ nhưng vẫn mong một ngày trở về khi VN thật sự có tự do-dân chủ.
Còn ông Trần Đẹt dù phải an phận với cuộc sống gian nan nơi quê nhà nhưng luôn hy vọng có được một cuộc sống mới bên kia bờ Thái Bình Dương. Ở tuổi gần đất xa trời, cả ông Trần Đình Trụ và ông Trần Đẹt đều mong đợi ước vọng của họ thành sự trước khi nhắm mắt xuôi tay.

*: Nhạc sĩ Trường Sa tác giả những nhạc phẩm lừng danh: “Một Mai Em Đi”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em”, “Mùa Thu Trong Mưa”, “Xin Còn Gọi Tên Nhau” . . .
Hình ảnh và bài đọc do nhóm Paltalk tổng hợp từ Nam California, Hoa Kỳ.

Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét