Học cách giết người của Mao
Thursday, September 30, 2010
Ngô Nhân Dụng
Thursday, September 30, 2010
Ngô Nhân Dụng
Nói đến văn hóa, chúng ta thường nghĩ tới những điều lớn lao như tư tưởng, triết học, cách giáo dục, cách tổ chức xã hội, vân vân. Nhưng đời sống văn hóa hai dân tộc khác nhau được thể hiện trong cách sống hàng ngày, cách người ta chào hỏi nhau, ăn uống với nhau, chúc mừng, biếu xén nhau, vân vân. Văn hóa khác nhau, trong cách sống, cách chết, ngay cả cách giết người cũng khác nhau.
Văn hóa Việt Nam xưa nay biểu lộ những quan niệm về sống, chết khác hẳn người Trung Hoa. Nhưng phải thú nhận phong cách giết người của nước mình rất thô sơ, chưa bao giờ nhiều sáng kiến phong phú như bên Trung Quốc. Tiểu thuyết Ðàn Hương Hình của Mặc Ngôn cho rất nhiều thí dụ về các kỹ thuật độc đáo của người Trung Hoa trong việc tra tấn người đến chết. Trong lịch sử còn ghi những chuyện thật, không hư cấu. Ðời Võ Hậu nhà Ðường, Tố Nguyên Lễ đã sáng chế ra các khí cụ và phương pháp tra tấn gọi tên là Lồng Sắt và Phơi Cánh. Không có tài liệu mô tả các hình cụ đó thế nào, nhưng các quan trong triều chỉ nghe thấy đã rùng mình. Nguyên tắc của hình quan là hễ bắt một người thì phải làm sao cho hắn phải khai ra hàng chục người khác để trị tội. Tố Nguyên Lễ đã dùng phương pháp dây chuyền này xử tử hình cả nghìn người. Một người kế vị ông ta là Lai Tuấn Thần, đã phát minh ra những cách tra tấn kỳ diệu hơn và giết nhiều người hơn nữa. Khi tên này bị Thái Bình Công Chúa phản công bắt giết, kẻ thù khắp nơi mừng rỡ. Họ chờ sẵn để được băm vằm cái xác hắn ta rồi “tranh nhau róc thịt, chốc lát thi thể chẳng còn gì nữa.” “Chốc lát!” Chỉ có sử gia Trung Quốc mới có hai chữ thần tình như thế. Việt Nam không có những viên quan giết nhiều người bằng các phương pháp độc đáo để dân phải oán hận như vậy, vì văn hóa nước mình khác.
Cái nguy bị nhiễm “văn hóa giết người” bắt đầu từ khi Hồ Chí Minh mời các cố vấn Trung Quốc Vĩ Ðại vào nước ta thực hiện chủ nghĩa Mao Trạch Ðông. Giữa thế kỷ 20, người Việt Nam mình cũng học và áp dụng cách giết người rất tàn bạo nhờ học các cố vấn Tầu. Thí dụ, trong cuộc cải cách ruộng đất, người Việt chôn sống đồng bào mình, chôn đứng chỉ để hở cái đầu, rồi cho trâu kéo cày đi qua lại nhiều lần, đến lúc nạn nhân chết mới thôi. Thi sĩ Hữu Loan, tác giả Mầu Tím Hoa Sim đã kể chuyện này, nếu không chắc nhiều người không tin cảnh đó có thật. Chính song thân bà vợ của Hữu Loan đã bị giết như thế. Hai cụ từng được phong làm địa chủ cứu quốc; nhiều lần đã chở gạo nuôi bộ đội Sư Ðoàn 304 của ông, cho nên thi sĩ biết ơn. Khi hai cụ bị giết, Hữu Loan đã cưu mang người con gái của họ, nếu không chắc cô ta sẽ chết đói. Sau ông lấy cô làm vợ mặc dù lấy con địa chủ thì phải ra khỏi đảng, bị mất hết các quyền lợi của đảng viên.
Những cách giết người mới mẻ, như chôn người ta xuống giết bằng lưỡi cày, chắc là do các cố vấn Trung Cộng giúp đỡ, hướng dẫn và chỉ đạo trong thời Cải Cách Ruộng Ðất. Người Việt mình khó có ai nẩy ra được những sáng kiến như thế. Cũng như người mình phải học trong sách Tầu mới biết những món ăn, như múc óc khỉ còn sống ra, ăn ngay trên bàn. Người mình không ai nỡ đối xử với loài vật hay với con người ác độc như vậy. Giết một mạng người cũng là ác quá rồi; chớ đừng nói trước khi giết còn hành hạ, tra tấn người ta bằng lưỡi cày!
Ở bên Tầu thì khác. Họ là một quốc gia rộng lớn, vĩ đại, đông dân; người vùng này có khi coi người vùng kia như là dân khác giống. Mao Trạch Ðông đã nói nếu chiến tranh làm chết mất một nửa thì dân số Trung Hoa cũng vẫn còn đông nhất thế giới. Ðối với Mao, nhân dân chỉ là một con số, giết một mạng người đâu nghĩa lý gì. Các vua quan Việt Nam có đời nào nghĩ về dân, nói về dân mình như thế hay không? Trước thời cộng sản, chưa thấy có.
Việc nhập cảng một phương pháp giết người, số người bị giết không quan trọng bằng hậu quả, là hành động giết người tàn nhẫn đã thay đổi quan niệm của dân. Cách người ta nhìn giá trị một con người, về mạng sống một cá nhân đã thay đổi sau khi được chứng kiến các cảnh giết chóc mới. Nó thay đổi đến cách chúng ta nhìn vào mặt nhau, như những con người, như đồng bào. Chúng ta đã thấy xã hội mình có thay đổi thật sau khi được huấn luyện nuôi lòng căm thù, theo chủ trương của Mao.
Lòng căm thù phải được thổi lên và nuôi dưỡng bao nhiêu lâu mới khiến con người trở thành lạnh lùng, sẵn sàng giết đồng bào và chứng kiến cảnh giết người như thế? Cái tâm của người Việt đã thay đổi đến mức nào thì mới tổ chức được những cuộc giết người độc đáo y như bên Trung Quốc vậy?
Cứ nhìn các phương pháp giết người mới, Tâm con người phải thay đổi. Con người nhìn lẫn nhau không còn thấy đó là những người làng, những hàng xóm, anh em. Họ được huấn luyện chỉ còn nhìn thấy đó là những đối tượng đấu tranh, căm thù.
Bởi vậy, học giết người theo lối Trung Cộng, người Việt sẽ dần dần cũng bị đồng hóa theo nếp sống, nếp suy nghĩ và nếp tình cảm của cán bộ Trung Cộng. Cuộc đồng hóa diễn ra theo một quá trình được hoạch định rất quy mô, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn. Cả một đội ngũ văn nghệ sĩ được lệnh làm thơ dạy bảo người Việt Nam “chưa biết căm thù thì chưa biết yêu thương.” Ý kiến đó trái ngược hẳn với những lời dạy của Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi.
Ðó là một vấn đề văn hóa. Cứ hỏi tại sao nền nếp đạo lý của nước mình bây giờ bị tàn hoại, trẻ em cũng biết ăn cắp, biết trấn lột lẫn nhau. Chỉ vì người lớn đã chấp nhận nô lệ về văn hóa từ hơn nửa thế kỷ trước. Học tập Mao chủ tịch trong cách giết người của văn hóa Trung Hoa là nô lệ văn hóa nước bạn láng giềng. Nó khiến người Việt Nam nhìn nhau theo lối người Trung Hoa. Trong lịch sử Trung Hoa có nhiều lúc họ phải nhìn nhau như thù địch, như súc vật. Vì những điều kiện địa lý, kinh tế của họ khác hẳn hoàn cảnh nước mình.
Trong lịch sử Trung Quốc có những vụ giết người “vĩ đại” không thể nào xảy ra ở Việt Nam được. Thí dụ như Tướng Bạch Khởi nước Tần, tỉnh Thiểm Tây bây giờ. Chủ trương quân sự của Bạch Khởi (không rõ năm sanh, chết năm 257 trước Công nguyên), là châm ngôn “Tận địch vi thượng” trong Chu Ngữ. Câu này nghĩa là “Giết hết quân địch là mưu lược cao nhất.” Trong cuộc đời chiến tranh 37 năm, Bạch Khởi đã chỉ huy 10 chiến dịch lớn, chiếm 70 thành trì, san bằng các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Sở, mở rộng biên giới nước Tần, chuẩn bị cho việc thống nhất nước Trung Hoa.
Năm 293 (trước Công nguyên), Bạch Khởi đem quân đánh liên quân Hàn và Ngụy. Tuy số quân bên địch đông gấp đôi, Bạch Khởi biết nhược điểm của họ là chia rẽ. Ông đánh quân Ngụy trước rồi đánh Hàn sau, giết chết 240,000 binh sĩ địch. Nhưng trận đánh tàn bạo nhất là trận Trường Bình (Chang Ping), năm 260 ở nước Triệu. Quân Tần vây thành Thượng Ðẳng ba năm không đánh được, đã dùng kế ly gián khiến vua Triệu cách chức tướng giỏi Liêm Pha, đưa tướng dốt Triệu Quát ra chỉ huy. Bạch Khởi được bí mật đưa tới mặt trận, đã dùng kế dụ cho Triệu Quát khinh địch tấn công trước. Rồi hai cánh quân Tần xông ra cắt ngang quân Triệu. Quân Triệu phải kép lên cao cố thủ, Bạch Khởi ra lệnh quân Tần “chỉ vây mà không đánh.” Quân Triệu bị vây hãm 46 ngày, hết lương thực, hết nước uống, ăn thịt, uống máu lẫn nhau. Triệu Quát liều mạng phá vòng vây, bị trúng tên chết trong đám loạn quân. Toàn bộ quân Triệu phải đầu hàng. Bạch Khởi đã chọn 240 trẻ vị thành niên trong đám hàng binh, thả cho về nước để gieo kinh hoảng. Số còn lại, tất cả bị chôn sống. Trong trận này quân Triệu thiệt hại tổng cộng 450,000 người, quân Tần chết khoảng trăm ngàn. Ðó là chủ trương “Tận địch vi thượng.”
Làm sao một người có thể quyết định chôn sống hàng trăm ngàn hàng binh trong một đêm? Muốn đang tâm làm việc đó, phải là những kẻ không coi các “đối tượng” là những con người giống như mình nữa. Chắc phải “đối tượng hóa,” nhìn người ta như là dê, cừu, gà, lợn, hay thấp hơn cả súc vật. Khi Ðặng Tiểu Bình ra lệnh xe tăng tiến vào Thiên An Môn bắn chết các sinh viên tay không đi biểu tình năm 1989, ông ta cũng phải có tấm lòng sắt đá lạnh lùng như Bạch Khởi. Cả hai đều có trong tay một bộ máy giết người để sử dụng, đám quân sẵn sàng tuân lệnh, không suy nghĩ.
Hạng Vũ khi vào kinh đô Hàm Dương nước Tần (206 trước Công nguyên). Muốn trả mối thù ngày xưa đã tới đây bán cơ bắp kiếm việc làm và bị sỉ nhục, Vũ bắt quan, dân, lính tráng, cung phi nước Tần làm nô lệ cho đám lính người Sở của mình. Nghe đồn dân Tần oán thoán, sợ chúng nổi loạn, Hạng Vũ ra lệnh giết 200 ngàn hàng binh, trừ hậu hoạn, đốt sạch kinh thành. Người nước Tần với người Sở nói tiếng khác nhau, y phục khác nhau, điệu hát cũng khác nhau; khi lòng thù hận nổi lên thì không những họ coi nhau như kẻ thù mà còn có thể nhìn người nước kia không khác gì cầm thú. Giết mà không ớn tay. Các lãnh tụ tài giỏi biết khích động lòng căm thù trong đám quần chúng theo mình, thì dễ thành công trong chiến trận.
Những kẻ giết người đều có lý do để tự biện minh. Nhưng trên căn bản, họ phải là những kẻ coi khinh mạng sống, coi khinh nhân loại. Mạng người rẻ quá, có lẽ vì họ vẫn nhìn chung quanh, thấy đông người quá. Cứ vài thế hệ nước Trung Hoa lại bị một trận mất mùa đói kém chết hàng loạt. Bọn vua quan không bị đói bao giờ cho nên không lo ngăn ngừa trước để dân tránh nạn đói. Nhiều miệng ăn mà thực phẩm thì có giới hạn, thức ăn có khi quý hơn mạng người. Giết người để cướp một nắm cơm cũng phải giết. Ðời Ðường, thành Thương châu bị vây hãm. Một đấu gạo giá 3 vạn quan tiền. Giết được một tên địch, cắt đầu đem nộp thì được thưởng một vạn quan. Ba cái đầu mới đong được một đấu gạo. Sống mãi như vậy thành quen, chết như vậy mãi cũng thành quen. Suốt dọc lịch sử nước Trung Hoa có những cuộc tàn sát vô lý mà người Việt Nam không thể nào hiểu nổi. Chắc chắn không ai bắt chước làm như họ được, trừ khi cứ nhắm mắt nghe theo lời cố vấn vĩ đại.
Ðời Ðường, Hoàng Sào đi thi không đậu, đi bán muối lậu bị bắt phải hối lộ bọn tham quan mới thoát chết. Nổi lên làm loạn, khi Hoàng Sào chiếm kinh đô Trường An năm 880, đã tàn sát hết bọn tôn thất họ Lý của nhà Ðường, và gia tộc tất cả các quan lại. Lòng thù hận ghê gớm như thế. Cuối đời Minh chế độ sắp tan, Trương Hiến Trung đánh thành Lục An mãi không thắng, giận lắm. Ðến khi chiếm được thành (năm 1642) ông ra lệnh giết hết dân chúng. Dân kêu oan, vì họ đã bị cưỡng bách phải giữ thành chứ họ không muốn chống cự. Hiến Trung giảm tội cho, ra lệnh chặt tay tất cả, đàn ông chặt tay trái, đàn bà chặt tay phải. Cả thành phố Lục An toàn người cụt tay. Năm sau, Trương Hiến Trung tấn công chiếm Vũ Xương. Tất cả những người dân còn sống được tập họp ở bờ sông, sai lính cưỡi ngựa xua đẩy dân xuống sông Trường Giang, cho chết đuối hết. Xác người lềnh bềnh, suốt mấy tháng trời không ai dám ăn cá
Tất nhiên mỗi lần muốn giết 100 ngàn người thì kỹ thuật thời đó đòi hỏi phải có hàng chục ngàn người đồng tình tham dự việc giết chóc mà không gớm tay. Kỳ Ngạn Thần, kể lại chuyện này trong cuốn “Người Trung Quốc, những hiểu lầm lịch sử” đã nhận xét là vụ tàn sát cả thành phố Vũ Xương này còn kinh khủng hơn cuộc đại thảm sát do quân Nhật gây ra ở Nam Kinh vào thế kỷ 20. Mà ở Vũ Xương lại là người Trung Hoa giết người Trung Hoa đấy.
Trong thế kỷ 20, người Trung Hoa vẫn giữ được thói quen giết người tập thể. Tác giả Giải Tư Trung, trong cuốn viết về “Sự khủng hoảng của tố chất quốc dân” kể lại rằng trong thời Ðại Cách Mạng Văn Hóa, tháng 8 năm 1966 ở huyện Ðại Hưng, bên ngoài thành phố Bắc Kinh, có 325 người đã bị chôn sống giữa ban ngày, gồm những người được gán nhãn hiệu “phần tử loại bốn” cùng với thân nhân; tổng cộng 22 gia đình; người già nhất 80 tuổi, trẻ nhất là một em bé mới ra đời được 38 ngày! Ở huyện Ðạo tỉnh Hồ Nam, trong 2 tháng có 4,193 người bị giết oan, do “hành động tự phát” của “quần chúng cách mạng.” Người Việt mình chịu thua.
Chúng ta không thể vì những vụ tàn sát kể trên mà nói rằng người Trung Hoa tàn ác hơn người Việt; cũng như không thể nói người Ðức đều ác độc căn cứ vào những vụ Ðức Quốc Xã tàn sát người Do Thái. Ðiều mà chúng ta có thể nhìn nhận là các bạo chúa, ở Ðức hay ở Trung Quốc, đều biết kích thích lòng hận thù của đám đông, thúc đẩy cho thú tính nổi dậy, gây ra tội ác tập thể. Một điều có thể nhận thấy nữa, là trong lịch sử Trung Quốc xảy ra nhiều vụ thảm sát; có lẽ bởi vì nước họ đông người quá, người cùng nước nhưng ở xa nhau là khác cả ngôn ngữ, văn hóa, quyền lợi, khó thông cảm với nhau. Nói chung họ không quý mạng sống của đồng bào như người Việt mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét