Chuyện gì xảy ra khi thế giới không còn trông cậy được vào Mỹ?
Khang Tran *
Lê Phan
Trước sự “thờ ơ” của Tổng Thống Trump, lãnh tụ Bắc Hàn Kim jong Un tha hồ “làm mưa làm gió” bằng các vụ bắn thử hỏa tiễn gần đây. (Hình: AP Photo)
Hồi tôi còn ở tù, hay nói theo giọng của chế độ Hà Nội là đi “học tập cải tạo,” có một trong những anh cai tù thích thuyết giảng về chính trị. Mở miệng ra là anh nói đến “con sen đầm quốc tế.” Chúng tôi bấm bụng cười nhưng tuy anh công an dốt nát nói lầm, quả thật vai trò “sen đầm” vô cùng quan trọng.
Suốt từ Đệ Nhị Thế chiến, trải qua hết Cuộc Chiến Tranh Lạnh, thế giới đã có một điều chắc chắn, một sự an tâm vì sự có mặt của Hoa Kỳ.
Sau Chiến Tranh Lạnh là giai đoạn ổn định và phồn thịnh nhất khi thế giới sống trong điều mà một số sử gia gọi là Pax Americana (Hòa Bình Hoa Kỳ). Ngay cả đến những quốc gia có thời mạt hạng như Việt Nam hay Trung Cộng cũng dần dà phát triển, một phần nào dưới sự che chở của sức mạnh Hoa Kỳ.
Điều tâm niệm của các nhà lãnh đạo ngành an ninh quốc phòng Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn đó là “niềm tin.” Cái ý tưởng là nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vai trò của siêu cường quan trọng nhất và là cảnh sát thế giới, thì những hứa hẹn quốc tế của Hoa Kỳ phải rõ ràng và đáng tin cậy. Đó chính là vai trò “sen đầm” (phiên âm từ chữ gendarme tiếng Pháp) của Hoa Kỳ. Không có sự tín nhiệm đó, họ lý luận, sẽ khiến cho bạn bè và kẻ thù rối trí. Và rối trí sẽ dẫn đến tính toán sai, nâng nguy cơ chiến tranh.
Cái điều họ sợ đó nay đã thành sự thật, với nhiều đụng độ vùng bùng lên khắp thế giới, trước hậu cảnh của một chính sách ngoại giao lung tung và do đó khó tiên đoán của Hoa Kỳ, cầm đầu bởi Tổng Thống Donald Trump, vị tổng thống mà chính sách được truyền đi bằng những cái tweets thiếu tự chế, phản ứng hung hăng, miệt thị các đồng minh, ca ngợi độc tài và thay cố vấn cũng như quan chức như thay áo.
Cứ lấy thử một thí dụ như tình hình Iran chẳng hạn. Đã có được một giai đoạn chính phủ Trump có vẻ theo đuổi một chính sách rõ ràng tuy đầy nguy hiểm. Chính phủ Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân của các cường quốc thế giới với Iran, và còn có vẻ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ của đối đầu quân sự.
Nhưng hồi Tháng Sáu vừa qua, tổng thống đột ngột hủy một cuộc không kích dự trù vào Iran vốn có mục đích là để trừng phạt Iran cho việc đã bắn hạ một phi cơ drone điều khiển từ xa của Hoa Kỳ. Quyết định đó có di sản là một sự bất định và có thể đã khuyến khích Iran có những hành động phiêu lưu mạo hiểm hơn nữa, qua việc bắt ba tàu chở dầu ở Eo Biển Hormuz trong mấy tuần qua.
Tuần này chúng ta cũng thấy sự bùng nổ nguy hiểm ở Cashmir với Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt cho vùng duy nhất mà đa số dân theo Hồi Giáo ở Ấn Độ, chọc giận Pakistan. Một lần nữa, chuyện này xảy ra trước hậu cảnh là những chỉ dấu lẫn lộn từ phía Tòa Bạch Ốc. Hồi Tháng Bảy, tổng thống nói là Ấn Độ đã yêu cầu ông hòa giải với Pakistan về Kashmir, một tuyên bố mà ngay lập tức bị Ấn bác bỏ.
Và rồi còn có nguyên một lô những vấn đề phức tạp liên quan đến Trung Cộng. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngày càng đánh tiếng nói đến một sự can thiệp quân sự vào Hồng Kông, để đàn áp nhiều tháng biểu tình tập thể lớn chưa từng thấy. Một chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay theo truyền thống sẽ bày tỏ ủng hộ cho ao ước của các công dân Hồng Kông và yêu cầu Bắc Kinh tự chế.
Nhưng Tổng Thống Trump đã gọi nhưng cuộc biểu tình phản đối là “riot,” mà theo Bắc Kinh có nghĩa là bạo loạn, và có vẻ nói là Trung Cộng nên để cho phép giải quyết vấn đề như họ muốn. Một lời tuyên bố mà các quan sát viên nói chả khác gì bật đèn xanh cho Trung Cộng đàn áp.
Sự rối loạn còn gia tăng hơn nữa bởi sự việc là, ở một mặt trận khác, Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực đối đầu với Trung Quốc. Tuần rồi, tổng thống ra lệnh sẽ gia tăng thuế quan trên số $300 tỷ còn lại của các hàng xuất cảng Hoa Lục sang Hoa Kỳ. Và tân bộ trưởng quốc phòng của tổng thống nói đến chuyện triển khai hỏa tiễn tầm trung đến các trên lãnh thổ trong vùng.
Những đồng minh Hoa Kỳ, mà trước đây sẵn sàng nhận chứa những hỏa tiễn này như Nhật Bản hay Úc, nay đang lo lắng. Nhất là với một tổng thống khó tiên đoán, họ sẽ còn ngần ngại hơn nữa về việc chứa những hỏa tiễn này. Úc, vốn lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, đã nói sẽ không nhận.
Nhưng có lẽ không nơi nào mà sự khó tiên đoán về chính sách của Hoa Kỳ tạo ảnh hưởng lớn bằng ở Nam Hàn, nơi mà những hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã có tiềm năng là một đe dọa, trong khi đó sự nới rộng và hợp tác hoạt động của Moscow và Bắc Kinh đã làm cho đồng minh Nam Hàn của Hoa Kỳ hoảng sợ.
Những câu hỏi về quyết tâm của tổng thống cho vùng Đông Bắc Châu Á ngày càng đáng kể từ khi Moscow và Bắc Kinh thực hiện một cuộc đi tuần đường dài ở Á Châu hồi Tháng Bảy. Vụ đi tuần này, vốn đã khiến cả Nam Hàn lẫn Nhật cho phi cơ lên nghênh cản. Đoàn phi cơ của Trung Cộng và Nga đã bị không quân Nam Hàn bắn khuyến cáo, làm nổi bật sự leo thang trong khi đang có gia tăng hoạt động quân sự.
Tổng Thống Trump, đang từ coi ông Kim Jong Un của Bắc Hàn là kẻ thù số chính, và đe dọa máu lửa – cho đến gặp gỡ “bạn” của ông ba lần và trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bước qua biên giới sang Bắc Hàn, dầu chỉ là trong giây lát. Mối thân hữu giữa hai lãnh tụ, mà danh từ mới được chế của tiếng Anh gọi là bromance, đang bắt đầu gây khó khăn cho đồng minh trong vùng. Tổng thống nay công khai gây sự với các nhân vật lãnh đạo trong ngành quốc phòng của mình về việc ông Kim tiếp tục thử hỏa tiễn.
Trong khi đó, cuộc tranh chấp giữa Nam Hàn và Nhật Bản, hai đồng minh cột trụ của Hoa Kỳ ở Đông Á mà nguồn gốc là việc bồi thường cho các nạn nhân từ thời Nhật Bản cai trị Hàn Quốc. Nhưng không thấy tổng thống nhắc nhở gì cả. Ngoại Trưởng Mike Pompeo tìm cách giảng hòa những có vẻ làm cho tình hình nặng thêm nữa.
Một nước Mỹ không tiên đoán trước được tạo nên một khó xử mới cho các cường quốc khác -mà chính sách ngày càng được đưa ra dựa trên những đoán mò là chuyện sẽ xảy ra như thế nào. Sự bất định bắt đầu ở Tòa Bạch Ốc lan nhanh ra khắp thế giới, tạo nên bấn ổn ở nhiều điểm nóng nhiều ngàn dặm cách Washington. Nhưng những gì xảy ra ở những nơi đó sẽ có ảnh hưởng đến Hoa Kỳ.
Thế giới đã mất lực lượng cảnh sát và nay mạnh ai nấy lo thân mình. Đó là quyết định của nhiều lãnh tụ thế giới hiện nay. (Lê Phan)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét