Nguồn: South Vietnamese defenders hold on to An Loc, History.com
Vào ngày này năm 1972, những thành phần còn sót lại của Sư đoàn 5 Việt Nam Cộng Hòa tại An Lộc, vẫn liên tục bị bắn đại bác từ pháo binh của lực lượng cộng sản xung quanh thành phố, trong khi quân tiếp viện đang từ Quốc lộ 13 chuyển tới.
Lực lượng miền Nam đã bị tấn công nặng nề kể từ khi Bắc Việt bắt đầu Chiến dịch Nguyễn Huệ vào ngày 30/03. Cộng sản đã mở một đợt tấn công lớn vào miền Nam, bằng 14 Sư đoàn bộ binh, và 26 Trung đoàn riêng biệt, với hơn 120.000 lính, và khoảng 1.200 xe tăng, cùng các phương tiện thiết giáp khác. Các mục tiêu chính của Bắc Việt, ngoài An Lộc ở phía Nam, là Quảng Trị ở phía Bắc, và Kontum ở Tây Nguyên.
Ngày 05/04, tại tỉnh Bình Long, lực lượng miền Bắc đi từ Campuchia tiến vào miền Nam, và tấn công đầu tiên vào Lộc Ninh. Sau khi chiếm được Lộc Ninh, Bắc Việt nhanh chóng bao vây An Lộc, thủ phủ Bình Long, chỉ cách Sài Gòn 65 dặm. Họ đã bao vây An Lộc gần ba tháng, và nhiều lần cố gắng chiếm thành phố, bắn phá suốt ngày đêm.
Lực lượng phòng vệ của miền Nam đã phải hứng chịu thiệt hại nặng nề, với 2.300 người chết hoặc mất tích, nhưng nhờ sự trợ giúp của các Cố vấn và lực lượng Không quân Mỹ, họ đã chống chọi được mọi trở ngại cho đến khi vòng vây bị phá vào ngày 18/06. Các trận chiến tiếp diễn trên khắp miền Nam trong suốt những tháng mùa hè, nhưng cuối cùng lực lượng miền Nam cũng chiếm được ưu thế, và giành lại được Quảng Trị vào tháng 09.
Khi cuộc xâm nhập của cộng sản thất bại, Tổng thống Nixon đã tuyên bố chiến thắng của Nam Việt Nam đã chứng minh được khả năng của chương trình Việt Nam hóa Chiến tranh, mà ông đã khởi xướng năm 1969, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng Hòa.
Mời đọc thêm:
Tướng Lê Văn Hưng, Người Hùng An Lộc:
Tướng Lê Văn Hưng đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, khi còn mang cấp bậc Đại Tá. Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, ông được giao nhiệm vụ Tổng chỉ huy mặt trận An Lộc, ông giữ vững thị xã An Lộc, và đã đẩy lui quân cộng sản Bắc Việt sau hai tháng tử chiến tại mặt trận này.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân dân Việt Nam Cộng Hòa buông súng, ông ra lệnh cho thuộc cấp tan hàng, sau đó quay vào văn phòng rút súng bắn vào đầu tự sát đền nợ nước.
Trong tiết mục Danh nhân nước Việt, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Tướng Lê Văn Hưng, Người Hùng An Lộc" của Việt Thái qua giọng đọc của Hoài Phương, và Nam Hương, để kết thúc chương trình tối hôm nay.
Khí tiết Lê Văn Hưng đã thăng hoa giữa chiến trường Bình Long và hoa Anh Hùng Lê Văn Hưng đã nở đẹp tại phòng tuyến An Lộc. Và rồi hấp hối theo vận nước, phút cuối Lê Tướng Quân đã chọn cái chết bi hùng để trở thành bất tử trong lịch sử, và quân sử Việt Nam.
Với dụng ý vinh danh và tưởng niệm Tướng Lê Văn Hưng, nơi trang cuối của tác phẩm "Last Man Out", Tác giả James E Parker, đã xếp bài thơ không tựa, không tên Tác giả với câu thơ chấm dứt: I am not there. I did not die.
Và sau chót, một câu lập ngôn được xem như quân huấn của Danh Tướng Douglas MacArthur: "Duty, Honor, Country” !.
***
Tướng Lê Văn Hưng xuất thân Khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Ðức, mãn khóa vào tháng 1 năm 1955. Sau ngày ra trường, ông thuyên chuyển về miền Tây giữ các chức vụ chỉ huy từ cấp Đại đội, Tiểu đoàn (TĐ), Trung đoàn (TrĐ) thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh.
-Năm 1966, mang cấp bậc Thiếu tá, ông làm Tiểu đoàn trưởng TĐ2, TrĐ31, SĐ21BB. Cũng trong năm 1966, ông được các Phóng viên chiến trường vinh danh là một trong Ngũ hổ U Minh Thượng, cùng với 4 Sĩ quan khác là: Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng TĐ42 BÐQ. Thiếu tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng TĐ44BÐQ. Ðại úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, TrĐ33, SĐ21BB. Ðại úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn trưởng TĐ 1, TrĐ33, SĐ21BB.
-Năm 1968, ông làm Trung đoàn trưởng TrĐ 31, SĐ21BB. Ông đã lập nhiều chiến tích tại chiến trường Hậu Giang, nên được thăng cấp Đại tá.
-Tháng 6/1971, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh SĐ5BB, khi còn mang cấp Đại tá.
-Năm 1972, ông được thăng cấp Chuẩn tướng, vẫn làm Tư lệnh SĐ5BB đến ngày 3/9/1972, và sau đó giữ chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn III.
-Năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, cuối tháng 10/1974, ông đảm nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn IV, Quân khu 4.
Tối ngày 30/4/1975, tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn, sau khi nói lời từ giã với gia đình và bắt tay từ biệt thuộc cấp, Tướng Hưng đã quay vào văn phòng, khóa chặt cửa, và tự sát bằng súng lục, vào lúc 8 giờ 45 phút tối.
***
Tác giả James E Parker, đã kể lại cái chết bi tráng, thương cảm của Tướng Lê Văn Hưng như sau:
"Ngày 30 tháng 4 năm 1975, đúng 7 giờ tối, Tướng Hưng, đã nhắn gọi vợ ông đến văn phòng làm việc tại Cần Thơ, ông không hề nghĩ tới việc diện kiến và thảo luận với một giới chức Việt Cộng tên Hoàng Văn Thạch, để bàn giao vùng Hậu Giang cho Cộng Sản. Ông không bỏ nước để thoát thân. Ông có trách nhiệm với những quân nhân đã dành mạng sống của họ ở lại vị trí trấn thủ. Ông đã ở lại bằng một lựa chọn vinh dự. Ông phải tự quyết định sinh mạng của mình.
Khi người vợ và các con bước vô văn phòng làm việc của ông, Tướng Hưng nói lời chia tay, và cúi xuống hôn từng đứa con. Bên ngoài văn phòng, nhiều Sĩ quan và binh lính thuộc cấp lần lượt kéo tới, đứng sắp hàng ngoài sân, chờ đợi lệnh.
Tướng Hưng tuyên bố việc chiến đấu đã chấm dứt. Ông nói, nước đã mất là do Lãnh đạo kém tại Sài Gòn, và xin thuộc cấp tha thứ lỗi của ông, nếu như cá nhân ông đã có những lỗi lầm nào đó !.
Bầu không khí xung quanh nặng nề. "Tôi chấp nhận cái chết. Vĩnh biệt các anh em !", Tướng Hưng nói dứt câu đưa tay lên chào, và bắt tay từng người một. Ông yêu cầu mọi người ra về và chỉ một mình bước vô văn phòng làm việc. Chỉ trong khoảnh khắc sau đó vang lên một tiếng súng nổ. Tướng Hưng đã tự sát bằng súng” !.
***
Tướng Lê Văn Hưng đã cùng với quân sĩ các cấp giữ vững phòng tuyến tỉnh lỵ Bình Long. Trong những giờ phút căng thẳng nhất của cuộc chiến, ông đã nêu gương sáng cho các Sĩ quan thuộc quyền về phong cách chỉ huy. Trong cuộc phỏng vấn, thay vì nói về mình, Tướng Hưng chỉ đề cao tinh thần chiến đấu của chiến sĩ thuộc các Quân binh chủng đã giữ vững An Lộc, và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long. Trước khi vĩnh biệt, ông nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc, ông nói: "Tôi bằng lòng chọn cái chết. Tướng mà không giữ được Nước, không bảo vệ được Thành, thì phải chết theo Thành” !.
Đúng 40 năm sau ngày 30/4/1975, không chỉ có các thế hệ lớn lên ở Việt Nam, mà cả dân chúng nước Mỹ cũng đau lòng khi biết được những giờ phút lẫm liệt vào cuối đời của Tướng Lê Văn Hưng. Một điều rõ ràng nhất là ông hiểu rất tường tận bọn cộng sản, nên chọn cái chết chứ không muốn bị lăng nhục như Dương Văn Minh, khi bị một Đại tá cộng sản ra lệnh đầu hàng tại Dinh Độc Lập.
Khi viết cuốn sách "Last Man Out – A Personal Account of the Vietnam War", Tác giả James E Parker Jr. chắc chắn sẽ ngậm ngùi nhớ lại dấu mốc lịch sử khi Tướng Robert Edward Lee, trao thanh gươm biểu tượng cho sự đầu hàng của Nam quân cho Tướng Ulysses S. Grant của Bắc quân để chấm dứt cuộc nội chiến Nam - Bắc Mỹ. Sau khi nhận thanh gươm, Tướng Grant đã nói một câu bất hủ, để xóa đi mặc cảm thất trận của Tướng Lee: "Đây không phải là sự thắng bại gì cả. Đây là niềm ô nhục trong lịch sử Hoa Kỳ !".
Chính nhờ câu nói đó, mà Tướng Lee không chết vì uất hận, trái lại đã cổ xúy mạnh mẽ cho việc hòa hợp giữa hai miền sau chiến tranh. Nhưng đất nước Việt Nam không có được sự may mắn đó, 40 năm trôi qua, người cộng sản vẫn tiếp tục gây thêm phân hóa và hận thù trong lòng dân tộc khi ra rả xưng tụng cái gọi là "Đại thắng Mùa xuân 1975” !.
Nhưng càng rầm rộ, thì càng khiến cho người dân Việt Nam biết đến những Võ tướng hiển hách của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có Tướng Lê Văn Hưng, Người Hùng An Lộc !
Việt Thái. ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét