Thiệu chỉ biết tuân theo Lệnh Mỹ
để kết khúc Số Phận Miền Nam Việt Nam
một cách mau chóng
Bài đọc thêm
Thiệu chỉ biết tuân theo Lệnh Mỹ
để kết khúc Số Phận Miền Nam Việt Nam
một cách mau chóng
Ai cũng rõ, mục đích của Hiệp Định Ba Lê là để khai tử VNCH của miền Nam Việt Nam và chính phủ Lon Nol của Kampuchia. Nhưng đàng sau sự khai tử đó, không những trên giấy tờ mà còn có sự thi hành, sắp xếp một cách khôn khéo, kín đáo như Mỹ (Kissinger) đã hứa với Nga Sô và CSVN là sẽ tiếp tay thực hiện những gì họ đã bí mật đồng ý với nhau. Trong nhiều tài liệu viết bởi Kissinger, ông ta nói là đồng ý với Lê Đức Thọ trong những lần đi đêm là không can thiệp vào nội bộ (tức là Mỹ hoàn toàn đứng ngoài, không giúp VNCH), nhưng không chịu trực tiếp lật đổ chính phủ Thiệu trước khi giao miền Nam cho CS như sự đòi hỏi của CS. Tức là CS miền Bắc phải dùng vũ lực để lật đổ lấy. Đó là kết quả của việc trao đổi Trung Đông (để bảo vệ Do Thái) với Đông Dương (Indochina) giữa Mỹ và Nga. [1]
Nguyễn Tiến Hưng viết: “Đối với Miền Nam, ngay trước lúc sụp đổ hoàn toàn, ông Kissinger còn thốt lên: "Why don't these people die fast?" (Sao chúng không chết phứt cho rồi?). (Điều đó chứng tỏ rằng chính quyền Mỹ không những muốn miền Nam sụp đổ, mà còn muốn sụp đổ một cách mau chóng nữa.) Sau đó, kế hoạch tháo chạy được thiết kế lúc đầu căn bản chỉ là để di tản 6.000 người Mỹ và một số rất ít người Việt. Cho dù nhiều người có thể biện luận rằng việc giải kết khỏi Miền Nam là điều có lợi cho nước Mỹ đi nữa, nó cũng chỉ là ích lợi đoản kỳ, ở vào thời điểm đó thôi.” [2]
Như chúng ta đã thấy, Mỹ dần dần cắt đứt viện trợ miền Nam, trong khi đó Nga Sô và Trung cộng gia tăng viện trợ CS miền Bắc. Những cán bộ của CSVN khi qua Nga huấn luyện đã được chỉ bảo là đây là chương trình "chuẩn bị tiếp quản" miền Nam. Như thế việc Cộng sản (Nga và Tàu) chiếm đoạt miền Nam, cũng như Kampuchia, không còn có một trở ngại to lớn nữa, mà chỉ còn là thời gian mà thôi.
Sau đây là những dữ kiện đã xảy ra, sau những năm tháng đã chuẩn bị của Mỹ:
"Giai đoạn chuẩn bị trong Chiến Dịch "Gió Lốc" (Operation Frequent Wind)
Đây là một chiến dịch được chuẩn bị trước rất tỉ mỉ. Cả một hạm đội gồm 50 chiến hạm được huy động từ nhiều tháng trước ngày 30-4-1975.
Đầu tháng 3 năm 1975, khu trục hạm USS Kirk được lịnh nhổ neo từ căn cứ San Diego, để đi hộ tống hàng không mẫu hạm USS Hancock. Hàng không mẫu hạm Hancock được lịnh cặp bến Hawaii, để đưa những chiến đấu cơ lên bờ và thay vào đó bằng những trực thăng vận tải của TQLC/HK, rồi trực chỉ đến Biển Đông.
Chiếc USS Kirk bắt đầu vào cuộc, với Chiến dịch Eagle Pull để di tản 300 người Mỹ rời khỏi Phnom Penh. Campuchia thất thủ ngày 17-4-1975. Sau đó, chiếc USS Kirk xuôi xuống phía nam, hướng về Singapore để cùng với khu trục hạm USS Cook hộ tống hàng không mẫu hạm Midway, thả neo chờ tham gia chiến dịch Frequent Wind." [3]
Điểm then chốt mà chúng ta nhận thấy là Mỹ đã chuẩn bị một chương trình di tản qui mô giành cho ưu tiên
- là Mỹ (nhân viên và gia đình), ưu tiên
- là những người Việt làm việc cho Mỹ (nhân viên và gia đình), ưu tiên
- là những cao cấp VNCH (nhân viên và gia đình), và cuối cùng là những người Việt trốn thoát được từ đất liền. Trong chương trình đó, Mỹ đã có những hạm đội túc trực ngoài khơi, sáu chiếc xà lang được kéo chạy dọc theo hải phận, những chiếc tàu hàng hải (contractors), và các phương tiện di tản bằng phi cơ dân sự và quân sự, cũng như trực thăng. [4]
Trong lúc giữa tháng 3 năm 1975, các tàu Mỹ đã sẵn sàng chờ đợi ngoài khơi dọc từ Huế đến Phú quốc để chuẩn bị đón nhận những người được di tản, thì ngày 13 tháng 3, Tổng thống Thiệu (với sự hiện diện của Thủ tướng Khiêm) ra lệnh rút quân Vùng 1 Chiến Thuật, và ngày 14 tháng 3 Vùng 2 Chiến Thuật, hay gọi là di tản chiến thuật, để đưa đến sự tan rã nhanh chóng của hai Quân Đoàn. Sự thất bại của việc rút quân đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của mọi người, trong quân sử VNCH nói riêng và quân sử thế giới nói chung. Sự thất bại ngoài sức tưởng tượng vì không ai ngờ rằng một tổng thống, đã từng làm Tư lệnh Quân đoàn với cấp bậc Trung Tướng, mà lại đưa quân đội đi đến chỗ tan rã một cách nhanh chóng như thế. Sau đây là những nguyên do chính đưa đến chỗ tan rã:
- Thiệu ra lệnh rút quân, trong lúc hai quân đoàn vẫn còn hùng mạnh. Hai Tư Lệnh Quân Đoàn không chấp nhận chuyện rút quân mà xin TT Thiệu cho ở lại chiến đấu, tử thủ. Di tản chiến thuật của một quân đoàn là một chuyện đội đá vá trời, không những nó đòi hỏi thời gian tính để chuẩn bị mà còn cả một sự hổ trợ quân sự to lớn, trong khi đó cả hai yếu tố này không có. Không một lãnh đạo quân sự nào, ngay cả cấp nhỏ (như đại đội trưởng) đi nữa, có thể đâm ra điên rồ đưa ra những lệnh lạc ngu xuẩn và vô lý như thế. Một bài học đắt giá "Di Tản Chiến Thuật" đã dạy không lâu từ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 ở Quảng Trị và Kontum.
- Lợi thế của việc tử thủ là: Muốn tấn công một căn cứ quân sự có phòng thủ, đòi hỏi phải có một lực lượng mạnh ít nhất từ gấp 3 đến 5 lần lực lượng phòng phủ, tùy theo sự phòng thủ có kiên cố hay không. Xem trận Điện Biên Phủ và An Lộc là hai ví dụ. Chọn thế thủ vì QLVNCH không còn được viện trợ dồi dào như trước kia nữa.
- Dùng Liên Tỉnh Lộ 7B để di tản chẳng khác gì đem mồi giao cho sư tử. Sau chiến trận Ban Mê Thuộc, Cộng quân đang trên đường kéo quân đến tấn công Pleiku trên đường QL 14, nơi tiếp nối với LTL 7B ở Hậu bổn, Phú bổn. Cọp đang ở trong hang, trong thế thủ, thượng phong, không muốn, mà muốn thành con mồi đem giao cho sư tử. Đem cả một lực lượng quân đội di tản hỗn loạn, cộng thêm trên một trăm ngàn dân chúng kéo theo từ Pleiku và Kontum vào miệng sư tử, thì đó chẳng phải là tự sát, thì gọi là gì?
- Trong lúc có sự giằn co giữa Thiệu và Tướng Trưởng trong lệnh di tản vùng I, vì tình hình "vẫn còn quá tốt", Thiệu ra lệnh rút các đơn vị Dù và Thủy Quân Lục Chiến từ vùng I, cộng với sự tan rã của quân đoàn II, tạo nên rối loạn, mất tinh thần, đưa đến tan rã quân đoàn I, cái hậu quả không thể nào mà tránh được [5]. Không ai có thể chuẩn bị, sắp xếp cho việc rút một quân đội cấp quân đoàn trong cái hoàn cảnh hỗn loạn và cấp bách như thế. Đó là việc phá tan quân đội, chứ không phải tham mưu quân đội.
- Quyết định một mình. Thiệu đã độc đoán, độc quyền khi đi đến quyết định rút bỏ hai vùng này. Cũng như những quyết định quan trọng khác, liên can đến định mệnh đất nước, Thiệu không cần hay không muốn đem ra bàn luận hay tham khảo với Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM), hay với những ai khác có trách nhiệm hay liên hệ đến [6-8]. Trong trường hợp này, không ai hiểu rõ tình hình quân sự của quân đoàn bằng hai tướng tư lệnh của hai quân đoàn. Tại sao Thiệu "không thèm" hỏi ý kiến mà chỉ ra lệnh một cách độc quyền, độc đoán, nếu không ngoài lý do là Thiệu chỉ biết tuân lệnh Mỹ, đóng vai trò của kẻ thừa hành, thì cần gì phải bàn luận hay tham khảo với BTTM hay Tư Lệnh Quân Đoàn nữa. Công việc ấy chỉ bằng thừa, mà nhiều lúc còn mẫu thuẫn với lệnh đã đưa ra từ Mỹ nữa.
- Trong khi quân đội miền Nam đã trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm thì quân đội miền Bắc phần đông gồm những thanh thiếu niên, khoảng 14, 15 tuổi. Lớp trưởng thành đã bị tiêu diệt trong những trận chiến trước đó. Nếu hai quân đoàn I và II ở lại tử thủ, cho dù CS có đánh thắng và tiêu diệt hai quân đoàn đi nữa, chúng không có một hệ thống tiếp liệu vô tận, lực lượng của chúng không nhiều kinh nghiệm, việc tiêu diệt hai quân đoàn còn lại không phải là một chuyện dễ, nhất là khi đạn dược, xăng nhớt, cũng như quân lực không còn hùng hậu nữa.
Trong việc rút quân vội vã và nhanh chóng đấy, chúng ta thấy bên VNCH có ba cuộc kháng cự đáng kể. Đó là mặt trận Khánh Dương, mặt trận Phan Rang, và mặt trận Long Khánh. Ngoài ba mặt trận ấy, không có một mặt trận nào đáng kể khác, nếu không nói là vùng I và II Chiến Thuật bị bỏ ngõ, quân đội bỏ chạy, đến nổi Cộng quân "chạy theo" không kịp. Riêng mặt trận Long Khánh, Mỹ đã cho thả hai quả bom CBU (BLU-82, Daisy Scutter) để làm chậm bớt sự tiến quân của CS, vì Mỹ cần thêm thời gian để di tản.
Trong khi đó, chúng ta thấy sự chuẩn bị của TT Thiệu và Thủ tướng Khiêm không phải để chiến đấu, nhưng để ra đi.
A. Ngày 2 và 3 tháng 4, Thiệu đã gởi đồ đạc, tài sản sang Canada và Đài Loan. Cùng lúc đó Khiêm cũng đã gởi đồ đạc, tài sản ra nước ngoài. Trước đó Thiệu đã gởi một số vàng bạc trị giá năm triệu đô vào nhà băng Thụy sĩ. Đang chuẩn bị chuyển 16 tấn vàng qua cùng nhà băng ở Thụy sĩ (Banque des règlements internationaux de Bâle), nhưng bị CIA phát giác. Thiệu cố gắng thương lượng với Đại sứ Mỹ, kết cuộc không thành vì quá trễ. [9]
B. Ngày 3 tháng 4, Khiêm từ chức, để Thiệu lập một nội các mới, một nội các như Mỹ mong muốn. [10]
C. Đầu tháng 4, không rõ ngày, Thiệu gởi gia đình sang Luân Đôn trước. Khiêm gởi gia đình sang Đài Loan trước. Theo Hoàng Đống: «ngày 22-4, Thiệu và Khiêm được Mỹ đưa ra phi trường Tân sơn Nhất bay qua Đài Loan. Trước đó 20 ngày, gia đình, của cải của hai vị nầy đã được an toàn chuyển ra ngoại quốc» (tr. 360). [11]
D. Cuối tháng 3, trong khi Đà nẵng thất thủ, Đại sứ VN ở Mỹ, Trần Kim Phượng, đã bắt đầu kiếm nhà ("new and permanent residence for them in Maryland") cho Khiêm và gia đình định cư ở Maryland. [12]. Thiệu không muốn định cư ở Mỹ, vì sợ bị nhân dân “xử lý".
Như vậy, chúng ta có thể nói gì về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam?
Định mệnh đã an bài? Trật rồi. Đế Quốc Mỹ đã an bài (do hai tên Nixon và Kissinger).
Mỹ đã đưa Thiệu, Kỳ, Khiêm lên nắm quyền miền Nam VN, thì Mỹ cũng ra lệnh cho Thiệu phải ký HĐ Ba lê. Dù muốn hay không thì Thiệu phải ký vì sợ không ký thì Mỹ nó giết như đã giết ông Diệm [13]. Và Mỹ đã điều động Thiệu Khiêm để giao miền Nam cho CS một cách càng êm đẹp càng có lợi cho Mỹ.
Trong bài viết “Những giờ đen tối” của Lữ Giang [14], tác giả viết dựa theo Snepp thì thật ra , “cả hai (Thiệu và Khiêm) có thể được coi như là ‘cò mồi’. Nói một cách tổng quát, Tổng Thống Thiệu đã hành động với tinh thần của một người lính đánh thuê (mercenary) chứ không phải với tinh thần của một chiến sĩ quốc gia, cuơng quyết bảo vệ miền Nam cho đền giọt máu cuối cùng.” Cũng trong bài này, tác giả đã đề cập thời khoảng hai ông này khi được chính phủ Diệm gởi đi học khoá Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ, đã được CIA Mỹ tuyển chọn để làm việc cho họ. Và từ đó họ đã dùng hai người này trong số những người Việt khác trong việc lật đổ TT Ngô Đình Diệm (để Mỹ có thể tự do thao túng như một “chính quyền bảo hộ” mới ở miền Nam trong 11 năm tới trong việc tự do đưa quân vào, tự do leo thang chiến tranh và dùng Nam Việt Nam như một “bargain chip” để thương lượng với Nga và Tàu), và, như ta đã biết, họ đã lèo lái để đưa hai người này lên nắm chính quyền trong những năm sau cùng.
Theo tờ báo Anh, “The Telegraph”, trong bài tựa đề “Nguyen Van Thieu”, thì Mỹ đã trả cho Thiệu 3 triệu bảng anh, tương đương khoảng 7.5 triệu đô la thời đó để Thiệu, với vai trò là Tổng Thống VNCH, chấp nhận ký vào Hiệp định Ba Lê. [15]
Thiệu biết chuyện ký HĐ Ba Lê để Mỹ rút và chuyện miền Nam sẽ rơi vào tay CS (mà Thiệu gọi là Mỹ đã bán đứng miền Nam trong cái HĐ Ba lê) nếu Thiệu ký, nhưng Thiệu vẫn ký. Vấn đề là sau khi ký xong, việc miền Nam rơi vào tay CS chỉ còn là chuyện thời gian thôi.
Nhưng Thiệu và Khiêm cả đời chỉ biết tuân lệnh ông cố vấn và chỉ biết vơ vét tiền bạc, trong những năm nắm chính quyền, bỏ vào những nhà băng Thụy sĩ để lo đường tẩu vi khi đất nước rơi vào tay CS. Đầu óc Thiệu và Khiêm có nghĩ gì đến việc sống còn của miền Nam hay không? Đầu óc Thiệu và Khiêm có nghĩ gì đến việc "TỬ THỦ" hay không?
Dạ thưa, nhất định là không, không, không. Tại sao? Xem đây nhé:
- Mỹ không những giao miền Nam cho Nga trên giấy tờ mà còn thi hành trên thực tế là ra lệnh cho Thiệu phải triệt thoái hai vùng Chiến Thuật 1 và 2. Và Thiệu đã tuân lệnh Mỹ triệt thoái cho dù có sự phản đối của hai ông Tư Lệnh của hai vùng này.
- Trong khi quân đội triệt thoái hai vùng này, bỏ ngõ, thì Thiệu âm thầm chuyển tài sản ra nước ngoài và đưa gia đình sang Luân Đôn, còn Khiêm thì cũng chuyển tài sản ra nước ngoài và đưa gia đình qua Đài loan trước. Hẳn nhiên là có Mỹ lo chứ không phải tự nhiên Thiệu và Khiêm có khả năng sắp xếp đưa đi được. Và nếu chuyện này đã xảy ra 3 tuần trước khi Thiệu và Khiêm ra đi, thì chuyện chuẩn bị lót ổ (nhà cửa và nơi chất chứa đồ đạc) đã bắt đầu từ nhiều tháng trước rồi, chứ không phải mới bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 4.
- Sau khi rút quân triệt thoái hai vùng vừa xong thì Thiệu từ chức, và Khiêm cũng đi theo luôn. Chuyện xảy ra đó chỉ là cái màn kịch mà mục đích là bàn giao từ Thiệu sang cái chú phỉnh (chính phủ) CS dưới hình tức gọi là Hòa Hợp Hòa Giải, đó là chính phủ Dương văn Minh.
- Sau khi Thiệu đã hoàn thành sứ mạng phá nát miền Nam, sau khi ra lệnh triệt thoái quân đội từ hai vùng Chiến Thuật, đã có một số sĩ quan cao cấp trong QLVNCH, vì quá căm phẫn, muốn giết ông Thiệu, vì họ đã khám phá ra rằng Thiệu chỉ là tay sai của Mỹ, chỉ biết tuân lệnh Mỹ, nên đã làm cho miền Nam sụp đổ một cách mau chóng. Để bảo vệ tánh mạng của hai tay sai trung thành nhất này, đại sứ Mỹ là Graham Martin đã cho CIA hộ tống hai ông ra phi trường một cách bí mật, dùng phi cơ riêng của mình đưa hai ông Đài Loan một cách an toàn [16, 17]. Và những gì xảy ra sau đó thì mọi người đã rõ.
- Chỉ trừ khi đó là chuyện tình cờ, ngẫu nhiên, việc Thiệu ra lệnh rút hai quân đoàn vì những lý do nào khác, nếu không phải vì phải tuân lệnh Mỹ, tại sao mọi chuyện xảy ra ăn khớp từ đầu tới đuôi với những sắp đặt chuẩn bị di tản của Mỹ? Điều đó khó mà tin được. Nếu Thiệu và Khiêm không nhất nhất tuân theo lệnh của Mỹ (bao gồm việc tuân lệnh lật đổ Ngô đình Diệm), Thiệu, Khiêm và gia đình không thể nào được Mỹ chăm sóc đến mức chu đáo, tận tình đến thế. Còn việc Thiệu và Khiêm đã chuẩn bị ra đi rất sớm, bao gồm những tài sản tiền bạc bỏ vào nhà băng ngoại quốc có ý nghĩa gì? Tại sao Thiệu ở lại cho đến ngày 24 mới đi, nếu không phải vì "kẹt" 16 tấn vàng?
Nguyễn khắc Ngữ viết, "Trong bài diễn văn từ chức, ông đã hiện nguyên hình một tay sai của Hoa Kỳ, bị chủ đuổi lên tiếng chửi lại bằng những lời bình dân nhất không thể thấy được trong ngôn ngữ của một vị lãnh đạo quốc gia." [18]
Hoàng ngọc Thành cũng có nhận xét về ông Thiệu là “người thừa hành đắc lực nhất của Hoa Kỳ trong chiến tranh VN" là "người hèn nhát, tại sao không chịu công bố trong năm 1974 và đầu năm 1975 các bức thư hứa hẹn trả đũa Bắc Việt của Tổng Thống Richard Nixon nếu Cộng Sản Hà Nội vi phạm hiệp định Ba lê, tại sao không công bố sớm để quốc hội và dân chúng Hoa Kỳ biết những điều cam kết nầy để đánh vào điểm danh dự và lương tâm người Mỹ. Làm như thế có lợi cho dân tộc VN, nhưng Nguyễn Văn Thiệu sợ bất lợi cho ông nên không làm." [19]
Có một điều sai lầm là nhiều người đổ lỗi cho hai vị tướng Tự Lệnh Quân Đoàn I và II, vì không biết cách rút quân. Xin lỗi quí vị, trước khi quí vị đặt bút phê phán hai vị tướng này, trước hết quí vị
- có biết tài ba lỗi lạc của hai vị tướng này như thế nào chưa?
- quí vị có thể làm gì trong hoàn cảnh này?
- ai là người tất trách, chẳng những không tạo cơ hội cho việc triệt thoái một cách an toàn, mà đã ra lệnh một cách bừa bãi vi phạm không biết bao nhiêu nguyên tắc quân sự, chiến trường, cũng như tạo nên cảnh hỗn loạn, đưa đến việc TỰ tan rã hai quân đoàn một cách nhanh chóng mà không cần đến quân thù?
Trương Minh Hòa viết: “-Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu là người phá nát đại quân trấn giữ vùng địa đầu giới tuyến bằng các lịnh lạc bất nhất: sớm tái phối trí lực lượng, chiều di tản, tái chiếm... khiến các lực lượng tổng trừ bị là Thủy Quân Lục Chiến, Dù... đành phải trở thành "bất khiển dụng", trói chân, tay trung tướng Ngô Quang Trưởng, đưa đến thất thủ quân khu 1 và lan đến quân khu 2, thiếu tướng Phạm Văn Phú đành bó tay và đưa đến thất thủ Miền Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975.” [20]
Thiệu tuyên bố: "Tôi từ chức, chứ không đào ngũ. Từ giờ phút này, tôi để cá nhân tôi thuộc quyền sử dụng của Tổng thống và quốc dân. Tôi sẽ sát cánh cùng mọi người trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc...Mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội còn có một trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và đồng bào còn có một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu bên các anh em chiến sĩ...tôi sẵn sàng nhận lãnh sự phán xét và buộc tội của đồng bào ... " .
Và trong khi Thiệu tuyên bố như thế, một chiếc phi cơ đang đậu chờ đợi Thiệu ở phi trường Tân sơn Nhất để đưa Thiệu và Khiêm sang Đài Loan. Vợ con Thiệu đang chờ đợi Thiệu ở Luân đôn, và bao nhiêu vàng bạc, của cải tài sản ông bà vơ vét, hối lộ, buôn lậu trong bao năm qua trong lúc tại quyền đang chờ đợi Thiệu ở hải ngoại để Thiệu và gia đình có thể vui hưởng những ngày còn lại.
Hỡi những ai đã từng tin tưởng và tôn thờ Thiệu như một thần tượng, hãy sáng con mắt ra!!!
Hãy nhìn những gì Thiệu làm; đừng nghe những gì Thiệu nói.
Kết luận: Vì tuân theo lệnh Mỹ, Thiệu đã ra lệnh rút quân để làm tan rã QLVNCH một cách nhanh chóng, chứ không phải vì "cái trò tháu cáy" nào cả.
Vậy, cho dù 38 năm qua, hết bao nhiêu bút mực và thời gian để bàn cãi, thực tế thì định mệnh của miền Nam đã do Mỹ an bài trước rồi. Vấn đề xảy ra chỉ là cái màn diễn kịch khéo léo, mà quả thật là quá khéo léo, nên cho đến ngày hôm nay vẫn còn bàn cãi. Vì, tại sao Miền Nam Việt Nam lại rơi vào tay CS một cách chưng hửng như thế (cầm cự 20 năm, bỏ rơi 30 ngày), trong khi miền Nam có một quân đội hùng mạnh nhất Đông Nam Á? Tham Khảo:
Thiệu tuyên bố: "Tôi từ chức, chứ không đào ngũ. Từ giờ phút này, tôi để cá nhân tôi thuộc quyền sử dụng của Tổng thống và quốc dân. Tôi sẽ sát cánh cùng mọi người trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc...Mất một Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, quân đội còn có một trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và đồng bào còn có một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu bên các anh em chiến sĩ...tôi sẵn sàng nhận lãnh sự phán xét và buộc tội của đồng bào ... " .
Và trong khi Thiệu tuyên bố như thế, một chiếc phi cơ đang đậu chờ đợi Thiệu ở phi trường Tân sơn Nhất để đưa Thiệu và Khiêm sang Đài Loan. Vợ con Thiệu đang chờ đợi Thiệu ở Luân đôn, và bao nhiêu vàng bạc, của cải tài sản ông bà vơ vét, hối lộ, buôn lậu trong bao năm qua trong lúc tại quyền đang chờ đợi Thiệu ở hải ngoại để Thiệu và gia đình có thể vui hưởng những ngày còn lại.
Hỡi những ai đã từng tin tưởng và tôn thờ Thiệu như một thần tượng, hãy sáng con mắt ra!!!
Hãy nhìn những gì Thiệu làm; đừng nghe những gì Thiệu nói.
Kết luận: Vì tuân theo lệnh Mỹ, Thiệu đã ra lệnh rút quân để làm tan rã QLVNCH một cách nhanh chóng, chứ không phải vì "cái trò tháu cáy" nào cả.
Vậy, cho dù 38 năm qua, hết bao nhiêu bút mực và thời gian để bàn cãi, thực tế thì định mệnh của miền Nam đã do Mỹ an bài trước rồi. Vấn đề xảy ra chỉ là cái màn diễn kịch khéo léo, mà quả thật là quá khéo léo, nên cho đến ngày hôm nay vẫn còn bàn cãi. Vì, tại sao Miền Nam Việt Nam lại rơi vào tay CS một cách chưng hửng như thế (cầm cự 20 năm, bỏ rơi 30 ngày), trong khi miền Nam có một quân đội hùng mạnh nhất Đông Nam Á? Tham Khảo:
- Nguyễn Hữu Thống, "Hiệp Định Paris: Hòa Bình của Những Nấm Mồ".
- Nguyễn Tiến Hưng, “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, Lời nói đầu.
- Trúc Giang, "Cuộc chạy trốn Cộng sản kinh hoàng trong Lịch sử Việt nam".
- http://www.history.navy.mil/ index.html, By Sea, Air, and Land , Chapter 5: The Final Curtain, 1973 - 1975.
- Ngô Quang Trưởng, "Vì Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn I".
- Trần Đông Phong, "Đại Tướng Cao Văn Viên (1921 - 2008)".
- Nguyễn Tiến Hưng & J. Schecter, “The Palace File,” (Hồ sơ Dinh Độc Lập), trang 226-7.
- Cao Văn Viên và Nguyễn Kỳ Phong, “Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hoà”, trang 255.
- Frank Snepp, "Decent Interval", trang 379.
- Snepp, Sđd, trang 287.
- Hoàng Đống. Niên biểu lịch sử VN, thời kỳ 1945-1975.California: Đại Nam 2005, trang 360.
- Snepp, Sđd, trang 379.
- Hoàng Đức Nhã, “Có bạn như vậy, ai cần kẻ thù?”.
- Lữ Giang, “Những giờ đen tối”
- The Telegraph, “Nguyen van Thieu”, phần Orbituaries, 01 Oct 2001, http://www.telegraph.co.uk/ news/obituaries/1358069/ Nguyen-Van-Thieu.html
- Nguyễn tiến Hưng, "Tổng Thống Thiệu Đã Thoát Chết Như Thế Nào?"
- Snepp, Sđd, trang 434-437.
- Nguyễn Khắc Ngữ, "Những Ngày Cuối Cùng của VNCH", 1979, trang 343.
- Hoàng ngọc Thành & Thân thị Nhân Đức, "Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, 1999, trang 559 và 566.
- Trương Minh Hòa, “ĐẠI HÈN TƯỚNG DƯƠNG VĂN MINH, TỘI ĐỒ DÂN TỘC!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét