Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Lịch sử Khám Chí Hoà - Sơ lược về nhà tù

Lịch sử Khám Chí Hoà  - Sơ lược về nhà tù


Mời đọc.. cho biết, thú thiệt ... lớn lên ở Saigon.. nhưng tôi chỉ đi tới cuối đường Hoà Hưng... ngó vô.. thấy cái cổng
khám lớn Chí Hòa... mà thôi....!!!!! Cũng nghe nói... sau khi khám lớn Saigon < Maison central de Saigon > ở khu tứ giác Gia Long,Nguyễn trung Trực.. Lê thánh Tôn.. Công Lý.. ..<sau này là thư viện QG>... dời về Chí Hòa khoảng thập niên 50 ,TK 20....cũng nhờ Internet... mới biết thêm.. chi tiết ...


Lịch sử Khám Chí Hoà  - Sơ lược về nhà tù

Khu khám lớn gồm một tầng trệt và ba tầng lầu, xây theo hình tám cạnh, mỗi cạnh là một ô. Gồm các ô : A, B, C, D, E, F, G, H và chia thành sáu khu : AB, BC, ED, FG, AH, ID, (có lúc chia thành tám khu); có chấn song sắt kiên cố. Ở mỗi khu được sơn màu sơn khác nhau và can phạm nào ở khu nào cũng đều có mang biển số trên người cùng màu với khu giam của mình. Sự phân biệt này nhằm tạo thuận lợi dễ dàng cho việc kiểm soát của lực lượng canh giữ trại. Một phạm nhân ở khu này tự ý đi vào khu khác đều có thể bị phát hiện được ngay.
Ngoài ra còn có ba khu nằm nối lưng với khu bát giác, mà bọn cai ngục gọi là khu hỏa thực, khu bệnh xá, khu kỷ luật. Tại khu kỷ luật có phòng "điện ảnh" và phòng "truyền hình". Tên gọi đẹp đẽ là thế, nhưng mỉa mai thay, đây lại là nơi tra tấn người nghiệt ngã nhất.
Năm 1972, do yêu cầu của Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia Sài Gòn, mặc dù có giám thị chịu trách nhiệm phòng an ninh của nhà lao, nhưng vẫn được tăng cường thêm một toán cảnh sát để theo dõi tình hình phạm nhân, nhân viên giám thị và phát hiện những điều đáng nghi qua việc thăm nuôi. Cũng từ đó, quyền hành dần dần lọt vào tay bọn cảnh sát chìm.
Khám Chí Hòa tổng cộng có 238 phòng giam, gồm :
Khu AB có : 52 phòng
Khu ID có : 17 phòng
Phòng an ninh : 3 phòng (biệt giam)
Khu D có : 65 phòng (diện tích hẹp).
Số 101 phòng còn lại đều có diện tích giống nhau.
Khu trung tâm lô cốt có dựng một thanh gươm lớn với các hình dấu âm dương, càn khôn, vũ trụ mang ý nghĩa rằng, đây là một thế giới riêng biệt mà những kẻ trót vào đây là không thể nào lọt ra được
Bên trong Khám Chí Hoà
Bên trong Khám Chí Hoà
Đã từ lâu, có lắm huyền thoại về khu đất "linh thiêng" này. Nhiều người cho rằng, do sự chuyển động của âm dương ở đây như thế nào đó đã gây ra xung khí mạnh. Vì thế ở khu này thường bị sét đánh. Thực tế, sét đã đánh ở khu này nhiều lần. Xây đi, xây lại mấy lượt vẫn bị "đánh". Ngày nay, vào Chí Hòa, các mái ngói của khu bát giác đều đều nhau, nhưng khu FG bị khuyết thấp xuống. Đó là dấu vết còn lại của một ngàn lẻ một câu chuyện ở khám Chí Hòa ngày trước.
Ngoài công trình chính của nhà giam, còn có ngôi nhà hai tầng làm văn phòng ban quản đốc và một phòng tuyên úy cạnh lối vào khu AB. Một niệm Phật đài, một ngôi chùa và một nhà thờ được xây dựng trong khu vực khám Chí Hòa.
Ở chính giữa nhà tù, một tháp nước có trổ lỗ châu mai, với bốn loa phóng thanh và một cột cờ trên đỉnh. Mùa mưa, sân nhà tù ngập nước, có khi tràn cả vào xà lim ở tầng dưới.
Ở khám Chí Hòa có một chiếc máy chém. Chiếc máy chém này có từ thời Pháp được chuyển từ khám Catina sang, do tên đội Phước phụ trách. Ngày trước, hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, bọn quản đốc nhà giam tổ chức cúng chiếc máy chém này. Nhiều tù nhân cũng đến thắp hương, lễ bái.
 
Theo nhiều tài liệu để lại, thời VNCH, số lượng tù nhân ở nhà lao Chí Hòa trung bình là 6.000 người, có lúc lên tới 7.000 người. Cũng có tài liệu nói, cá biệt có đợt vọt lên ngót một vạn !
Trong số những phạm nhân vào Chí Hòa có những nhân vật cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, như Ngô Đình Cẩn (đã bị bắn chết ngay tại Chí Hòa), Phan Khắc Sửu, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, tướng Vũ Vũ Gia, tướng Lam Sơn... Nghị sĩ Trương Đình Dzu, dân biểu Trần Ngọc Châu..., cũng bị vào Chí Hòa.
Cũng như Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nhà tù khác ở miền Nam, bọn địch đã huấn luyện cho nhân viên phụ trách các nhà lao hết sức cẩn mật. Dưới đây là vài điều chúng đã quy định tại những nơi giam cầm tù chính trị, và chưa phải là tài liệu cuối cùng quy định về việc này.
Phải có một kho vũ khí, đạn dược chắc chắn, riêng biệt. Nơi đây cấm ngặt sự lai vãng của bất cứ nhân viên nào không phận sự giữ kho. Cũng như hệ thống phòng thủ đồn bót, phải có một sơ đồ hỏa lực để cho mỗi tháp canh có thể khai thác hết khả năng của những vũ khí tự động một cách kiến hiệu.
Nếu được, song song với sơ đồ hỏa lực, mỗi tháp canh phải có đèn rọi mạnh để kiểm soát các rào kẽm gai. Đặt một hệ thống liên lạc giữa các tháp canh với điểm gác cổng chính bằng điện thoại. Tại điểm canh, lúc nào cũng phải có mặt ít nhất hai phần ba quân số và số tối thiểu quân số có mặt bao giờ cũng không thể dưới một tiểu đội. Chặn bắt mọi kẻ khả nghi. Cho phạm nhân ăn cơm sớm, để có đủ thời giờ kiểm điểm lại nhân số trước khi họ vào nhà giam... (Kho Lưu trữ Trung ương 2, hồ sơ mang ký hiệu SC.02, H.184, HS.3512)
 

Lịch sử Khám Chí Hoà 

 - Kiến trúc phong thuỷ

Có một truyền thuyết khá ly kỳ về khám Chí Hòa được truyền miệng ra ngoài là hầu như năm nào trong khuôn viên của trại giam đều bị sét đánh và sau khi trại bị sét đánh thì bao giờ cũng có 1 hay nhiều hơn một cán bộ chết vì rất nhiều lý do. Đặc biệt có năm sửa nhà thờ nằm trong khuôn viên trại thì chỉ trong vài tháng, 5-6 cán bộ đang công tác trong trại cũng đã chết vì những lý do hết sức bất ngờ…
Tôi cho rằng đó chỉ là truyền thuyết trong muôn ngàn những truyền thuyết tôi đã được nghe. Nhưng khi tiếp xúc với các cán bộ công tác trong trại thì mọi người cũng đều xác nhận, chuyện khám Chí Hòa hay bị sét đánh hay chuyện cán bộ chết bí ẩn là có thật. Tôi tìm gặp Thượng tá Nguyễn Văn Cao – người có 16 năm làm việc trong trại để tìm hiểu bí mật này.
Bát trận đồ trong lòng thành phố
Nơi bị sét đánh nhiều nhất lại là tòa nhà quan trọng nhất, tòa nhà hình bát giác nơi giam giữ hàng ngàn phạm nhân. Toàn bộ khu nhà giam này rộng bảy hécta.
Trại giam Chí Hòa (tên thường gọi là khám Chí Hòa) được Pháp xây từ năm 1943, Kiến trúc của Chí Hòa rất đặc biệt, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo ngũ hành bát quái. Nó cao ba tầng lầu có hình bát giác với 8 cạnh đều, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H. Tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh dịch (cũng có người thì cho là kiến trúc này dự trên Bát trận đồ của Khổng Minh).
Do vậy nó có lối kiến trúc độc đáo : vừa mang những đặc trưng cơ bản của kiến trúc Pháp : kiên cố, kín đáo, mát mẻ vừa mang nét huyền bí : âm – dương, ngũ hành của phương Đông.
Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt. Chí Hòa chỉ có 1 cửa vào người ta nói đó là cửa Tử, qua cửa đó là hệ thống đường hầm, đường đi bên trong đều thiết kế theo cung vị nếu không có người hướng dẫn thì một người đi vào đó sẽ mất hết phương hướng giống như lọt vào một mê cung đồ không thấy đường ra.
Chính giữa hình bát quái đồ là một sân rộng cũng hình bát giác chia thành 8 khu hình tam giác nhỏ, với rất nhiều cây cối, bãi cỏ sạch sẽ và thoáng mát. Ngay tâm của hình bát quái có một đài bơm nước, với một đoạn là bể nước phình to nhìn từ trên cao có hình một cây kiếm cắm thẳng xuống đất, nghe đâu thanh kiếm này có tên là “Tru Tiên Kiếm”. Đây là thanh kiếm trấn, những tên tội phạm dù có xảo quyệt đến đâu thì khi ở đây mọi thủ đoạn của chúng cũng bị thanh kiếm “linh” này hóa giải hết. Thanh kiếm này chính là “trái tim” của của tòa nhà, nếu thanh kiếm này bị nhổ lên thì toàn bộ “trận đồ” không cần phá mà sẽ tự vỡ.
Chính lối kiến trúc “bát trận đồ” kỳ diệu đó mà hầu hết các phạm nhân bị kết án nặng khi đã bước qua cửa Tử thì có thể coi như là không có đường ra, và không thể nhận biết được đường ra chờ khi hết án tù, hoặc được phóng thích.
Lịch sử khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công. Lần thứ nhất là vào năm 1945, của những người tù cách mạng và lần thứ hai, sau đó 50 năm của một tử tội hình sự khét tiếng là Phước “Tám Ngón”.
Có cả triệu người đã bị nhốt vào đây mà hầu như không thấy có người nào thoát ra được cả. Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm linh thì những người chết linh hồn vẫn bị “bát quái” giam giữ không thể siêu thoát cứ lởn vởn bên trong nên ở đây âm khí rất nặng nề (quả thực khi tôi đứng đây cảm giác rờn rợn, u uất lạnh toát cả cột sống).
Người ta đồn rằng oán khí bay lên thấu trời cao, do thế ông Trời thường xuyên làm sấm sét đánh bể một góc để khai một cửa Sanh, cho oán khí được thoát ra, người chết được siêu thoát. Tất nhiên, tất cả những đồn đại này chỉ là truyền nhau, không ai dám chắc điều đó là sự thật.
Chẳng biết truyền thuyết và đồn đại này thật giả bao nhiêu phần trăm, nhưng chính Tổng thống Ngô Đình Diệm ông cũng tin chuyện này là có thật. Ông cho mời một thầy địa lý rất cao tay nhằm hóa giải một phần “trận đồ” này. Và sau đó một trong 8 nóc nhà của hình bát giác đã được san bằng, phá vỡ tính hoàn hảo của “bát quái”, thuận theo ý Trời mở 1 cửa Sanh cho các linh hồn được bay đi.
Nhà thờ hình chúa Giêsu trên cây thập giá
Cũng theo lời Thượng tá Cao kể, thì trong khuôn viên trại còn có một nhà thờ (ngày nay được sử dụng làm Hội trường của trại), thực dân Pháp cho xây dựng nhà thờ này để “rửa tội” cho những người chúng sẽ xử tử. Nếu theo quan niệm của phương Tây thì khi sống con người ta dù phạm rất nhiều tội lỗi, nhưng trước khi chết nếu người đó được rửa tội thì mọi tội lỗi sẽ được tha thứ và linh hồn người đó sẽ được lên thiên đàng. Nhưng nhà thờ này có kiến trúc khác đặc biệt và quanh nó cũng rất nhiều chuyện ly kỳ được truyền miệng cho đến nay.
Về kiến trúc nhà thờ được xây hình Chúa Giêsu trên cây thập giá : cửa vào chính là chân, hai nhà nguyện là hai cánh tay bị đóng đinh đang dang rộng, bàn thờ nơi Cung Thánh chính là phần đầu của Chúa.
Người ta đồn rằng đây là nơi rửa tội cho những tử tội trước khi bị thực dân Pháp bắn nên rất “linh thiêng”. Chiến tranh đã đi qua rất lâu nhưng nhà thờ vẫn nằm sừng sững trong khuôn viên trại, vì không ai dám dỡ bỏ nó.
Thế nhưng có một biến cố xảy ra vào những năm 90 của thế kỷ trước, vị phó giám đốc mới được cử về công tác trong trại – một người không tin vào những lời đồn thổi “nhảm nhí”, đã cho sửa nhà thờ thành hội trường nơi diễn ra hội họp, hội nghị của trại. Nơi được người ta sửa chữa đầu tiên là cửa vào (vị trí chân Chúa). Người ta phá đi cửa cũ, mở một cái cửa đại hội vào hội trường. Nhưng việc sửa chữa chỉ mới được bắt đầu thì một sự cố lớn đã xảy ra, chỉ trong một thời gian ngắn liên tiếp 5-6 người đang công tác trong trại bị thiệt mạng vì những lý do bất ngờ: tai nạn, súng cướp cò, đột tử…
 
Tru Tiên Kiếm 
Tất nhiên, rất có thể những tai nạn này xảy ra là ngẫu nhiên, trùng hợp với thời gian sửa chữa nhà thờ. Song lúc đó sự hoang mang bao trùm toàn trại, vị tân phó giám đốc thật sự dao động và cuối cùng ông quyết định sửa lại ngôi nhà như thiết kế ban đầu, thuê thầy về cúng giải hạn. Và điều kỳ diệu đã xảy ra, dường như “báo ứng” đã được hóa giải, những vụ chết bất đắc kỳ tử đã dừng lại hầu như ngay lập tức. Cán bộ toàn trại thở phào.
Nếu bạn nghĩ chuyện âm khí, oán khí chỉ là sản phầm tưởng tượng cũng những người có đầu óc mê tín dị đoan lý giải chuyện sét đánh, chuyện những cái chết bất thường. Tuy nhiên, sau những sự cố trên, một nhóm những nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã âm thầm nghiên cứu và lý giải mọi chuyện dưới góc độ khoa học. Một số nhà khoa học cho rằng bên dưới của tòa nhà có một mỏ quặng đó mới chính là nguyên nhân tại sao “ông Trời” hay “nhắm” vào tòa nhà đó và những cái chết chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Riêng tôi khi bước qua cửa Tử vào một mê cung đồ mà ở đó mất hết mọi khái niệm phương hướng – không gian, ngày đêm – thời gian, khi nhìn trên mô hình hình bát giác “hoàn hảo” bị khuyết với khu GF mái ngói bị san bằng, bước chân vào nhà thờ nơi chúa đang chịu đau đớn vì nhục hình tôi tin nơi đây còn nhiều điều bí ẩn chưa lời giải. Ngày nay khoa học đã rất phát triển nhưng tự nhiên, vũ trụ vẫn còn đầy rẫy những bí ẩn mà chúng ta chưa thể lý giải đang chờ chúng ta khám phá. Bài viết này chỉ là nhát cắt phản ánh sự bí ẩn của kiến trúc cổ, với mong muốn đưa đến cho độc giả một vài giả thuyết mới.
NguyenDacSongPhuong < lượm trên Internet>

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét